Multimedia Đọc Báo in

Bối rối khi tuyển sinh đại học thường xuyên thay đổi

08:41, 13/08/2022

Phương thức tuyển sinh đại học ngày càng có nhiều thay đổi, thậm chí mỗi năm mỗi khác khiến phụ huynh bối rối, thậm chí cả thí sinh dù đã được hướng dẫn kỹ cũng không tránh khỏi sai sót.

Số lượng tổ hợp các môn thi tăng lên nhiều lần so với trước đây và cách thức đăng ký để trúng tuyển thay đổi mỗi năm khiến cả phụ huynh và thí sinh đôi lúc "trở tay không kịp".

Tổ hợp xét tuyển tăng gấp nhiều lần

Phụ huynh có con xét tuyển đại học cao đẳng những năm gần đây phần lớn thuộc thế hệ 7X -  8X nên vốn chỉ quen thuộc khái niệm khối A (Toán, Lý, Hóa), B (Toán, Hóa, Sinh), C (Văn, Sử, Địa), D (Toán, Văn, Anh) và M (gồm 2 trong 3 môn Toán, Văn, Anh và năng khiếu). Tuy nhiên hiện nay, dựa trên các khối thi truyền thống đó, mỗi trường có đến vài chục tổ hợp xét tuyển. Khối A truyền thống nay có đến gần 20 tổ hợp như: Toán Lý Hóa, Toán Lý Sinh, Toán Lý Anh, Toán Lý Sử, Toán Hóa Sử, Toán Hóa Địa… Khối B gồm Toán Hóa Sinh truyền thống nay có thêm Toán Sinh Sử, Toán Sinh Địa, Toán Sinh Văn, Toán Sinh Anh, Toán Sinh Giáo dục công dân… Khối C truyền thống còn đa dạng hơn, gồm rất nhiều tổ hợp: Văn Toán Lý, Văn Toán Hóa, Văn Toán Sử, Văn Toán Địa, Văn Lý Hóa, Văn Lý Sinh… Khối D gồm Toán Văn Anh truyền thống nay có tới gần trăm tổ hợp, như: Văn, Giáo dục công dân, Anh; Toán, Giáo dục công dân, Anh…

Vì vậy, cùng 1 ngành nhưng sẽ có rất nhiều tổ hợp xét tuyển mà nếu không đọc, nghiên cứu kỹ lưỡng thí sinh sẽ khó mà lựa chọn được tổ hợp nào tốt nhất cho mình. Mặt khác cũng vì có nhiều tổ hợp khác nhau nhưng điểm chuẩn là như nhau dẫn đến sẽ có thí sinh được lợi, có thí sinh lại thiệt thòi nếu điểm thi của 1 môn nào đó trong tổ hợp đăng ký có đề khó hơn, điểm thấp hơn. Ví dụ thí sinh chọn tổ hợp Toán Văn Anh sẽ thấp điểm hơn thí sinh chọn tổ hợp Toán Văn Giáo dục công dân do mặt bằng chung điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh thấp hơn môn Giáo dục công dân nhưng điểm chuẩn của cả hai tổ hợp này lại bằng nhau. Ngoài ra, trong đợt tuyển sinh năm 2022 này, bên cạnh mã tổ hợp (ví dụ A00, A01, C00), còn có 20 mã phương thức xét tuyển nên thí sinh cần tìm hiểu thông tin về mã trường, mã tuyển sinh, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp được công khai trong đề án tuyển sinh trên website của các trường để nhập liệu cho chính xác.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Thanh Hường

Phương thức đăng ký để trúng tuyển mỗi năm mỗi thay đổi

Năm 2021, nếu thí sinh đăng ký phương thức xét tuyển sớm của trường (xét tuyển học bạ THPT, đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế, ưu tiên xét tuyển...), thì chỉ cần đậu tốt nghiệp trung học phổ thông là đã có kết quả trúng tuyển đại học, chỉ cần đợi đến ngày đi nhập học. Nhưng năm nay thì cho dù đủ điều kiện trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn phải làm thêm 1 bước nữa là đăng ký trực tuyến lên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và chọn ngành học, phương thức đã trúng tuyển xếp ở nguyện vọng 1. Nếu không đăng ký lên Cổng thông tin hoặc đăng ký nhưng chưa thành công do một lỗi nào đó thì kết quả sẽ là không trúng tuyển, ngỡ là đỗ nhưng cuối cùng lại rớt. Các thí sinh tự do phải đăng ký để được cấp tài khoản rồi sau đó mới được đăng ký nguyện vọng lên hệ thống chung.

Và mặc dù mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022 chưa kết thúc nhưng chắc chắn năm tới sẽ có một số điều chỉnh mà Bộ GD-ĐT đã công bố trong Quy chế tuyển sinh Đại học ban hành năm 2022. Cụ thể là điểm ưu tiên (đối tượng và khu vực) của các thí sinh sẽ được tính theo công thức mới căn cứ vào điểm thi trên hay dưới mốc 22,5 điểm/3 môn và theo hướng điểm thi càng cao điểm ưu tiên càng giảm. Ngoài ra, năm 2023 còn có 1 điểm mới nữa so với năm 2022 là thí sinh tự do chỉ được cộng điểm ưu tiên khu vực cho 1 năm kế tiếp. Có nghĩa là nếu thí sinh đã tốt nghiệp THPT trong năm 2021 thì đến năm 2023 thí sinh đó sẽ không còn được cộng điểm ưu tiên khu vực nữa.

Rõ ràng, điều chỉnh là để tốt hơn, đảm bảo lợi ích của thí sinh, nhưng nếu thay đổi liên tục thì lại là làm khó thí sinh, dẫn đến tình huống trượt đại học oan uổng.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.