Multimedia Đọc Báo in

Những sinh viên dân tộc thiểu số giàu nghị lực, học giỏi

08:18, 17/08/2022

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng những sinh viên dân tộc thiểu số ở Trường Đại học Tây Nguyên luôn nỗ lực vươn lên, học giỏi, được thầy cô tin yêu, bạn bè quý mến.

Gương sáng vượt khó của Y Ôp Phen

Sinh viên Y Ôp Phen Êban. 

Y Ôp Phen Êban (ở xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) là sinh viên lớp Sư phạm Ngữ văn K18, được thầy cô và bạn bè nhắc đến là tấm gương sáng về tinh thần ý chí học tập.

Em là con út trong gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ đều làm nông, hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà cách trường hơn 30 km, em thường phải đi nhờ xe bạn bè hoặc người quen để đến trường. Vất vả là vậy song Y Ôp Phen rất chăm học, luôn cố gắng học thật giỏi để thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo.

Trên giảng đường, Y Ôp Phen chịu khó nghe thầy cô giảng bài để nắm chắc kiến thức, tích cực phát biểu xây dựng bài, chỗ nào chưa hiểu, em đều mạnh dạn nhờ thầy cô chỉ bảo, phân tích.

Với nỗ lực và chăm chỉ học tập, năm nào em cũng đạt danh hiệu sinh viên giỏi. Ngoài ra, em còn đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt. Năm học 2021 - 2022, em đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc và được nhận học bổng Vừ A Dính.

Không chỉ học giỏi, Y Ôp Phen còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, hiến máu tình nguyện.

Nữ sinh dân tộc Vân Kiều ham học

Sinh viên Mó Thêm.  

Sinh viên Mó Thêm, dân tộc Vân Kiều (ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) hiện đang học lớp Ngôn ngữ Anh K21B, Trường Đại học Tây Nguyên.

Mó Thêm sinh ra trong gia đình có 10 anh chị em nên ba mẹ em không có điều kiện trang trải cho tất cả các con ăn học đến nơi đến chốn. Sáu anh chị của Mó Thêm đều nghỉ học và đã lập gia đình; hai chị gái kế em sau khi tốt nghiệp THCS cũng nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Dù hoàn cảnh gia đình vất vả là vậy nhưng cô sinh viên dân tộc Vân Kiều này rất ham học. Năm học vừa qua em đạt học lực loại giỏi, hạnh kiểm xếp loại tốt.

Hiện tại, ngoài giờ học trên lớp em còn đi làm thêm các công việc như: trợ giảng, bán quần áo, phục vụ quán trà sữa để có thêm thu nhập lo cho việc học hành.

Dịp nghỉ hè năm nay, Mó Thêm tranh thủ dạy chữ cho mấy cô, mấy dì trong xóm. Mới đầu là dạy chị dâu của em, mọi người biết, họ rủ nhau tìm đến để học. Mó Thêm được tuyên dương là sinh viên dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ XXIV vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong học tập và tham gia phong trào Đoàn - Hội.

Nói về dự định sau này của mình, Mó Thêm cho biết, ước mơ của em được trở thành phiên dịch viên, để được đi đến nhiều quốc gia khác nhau, tìm hiểu những nền văn hóa phong phú khác nhau. Em muốn truyền cảm hứng đến những bạn sinh viên cùng trang lứa với mình: “Không cần biết bạn là ai, sinh ra từ hoàn cảnh nào, chỉ cần biết bạn đã và đang làm gì cho mình, cho đất nước của mình”.

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.