Multimedia Đọc Báo in

Những giáo viên vượt khó bám trường

07:49, 30/10/2022

 các xã vùng sâu Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao của huyện Krông Bông hiện có hàng trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học từ nơi khác đến công tác.

Phần lớn thầy cô phải ở trọ, có người vì hoàn cảnh gia đình nên đi về trong ngày với đoạn đường hàng chục cây số. Song dù trong hoàn cảnh nào, những thầy cô ở đây luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để bám trường, bám lớp, mang cái chữ đến cho trẻ em vùng sâu. 

Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Drăm) cách trung tâm huyện Krông Bông gần 50 km. Trường có 1.037 học sinh, đa số là người dân tộc Mông. Trong số 50 cán bộ, giáo viên của trường thì có đến 40 thầy cô ở xa. Đa số các thầy cô phải ở nội trú, trong khi đó, trường hiện chỉ có 10 phòng ở do nhóm thiện nguyện xây tặng. Vì vậy, những thầy cô có gia đình, có con nhỏ mới được ưu tiên ở riêng 1 phòng, còn lại mỗi phòng có từ 3 - 4 người ở chung.

Đường đến trường vào mùa mưa của thầy cô dạy điểm trường Ea Rớt (xã Cư Pui). 

Nhiều thầy cô ở Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao) cũng có hoàn cảnh như trên. Trường có 34 thầy cô giáo thì chỉ có 13 người có nhà gần trường, còn lại chủ yếu là ở xa. Do trường không có nhà ở công vụ nên các thầy cô phải thuê nhà dân để ở. Khó khăn nhất là nhiều cô giáo có con nhỏ, nhà xa, chồng không có việc làm ổn định nên đành mang theo con đến trường để tiện chăm sóc. Như cô H'Dor Du (ở huyện Lắk) đã giảng dạy tại xã Yang Mao hơn 10 năm, cô vừa giảng dạy, vừa một mình chăm sóc hai con nhỏ; các cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Đinh Thị Phượng (ở huyện Krông Năng), cô Hoàng Thị Vương (ở huyện Krông Pắc) cũng có hoàn cảnh tương tự. Một chốn đôi quê với biết bao khó khăn, vất vả, song các thầy cô giáo ở đây đều cố gắng khắc phục, bám trường, bám lớp, tích cực tham gia vào các hoạt động của nhà trường và cấp trên tổ chức.

Do hoàn cảnh gia đình, nhiều thầy cô không thể ở lại, mỗi ngày phải vượt quãng đường xa để đến trường. Cô Du H'Thủy là giáo viên hợp đồng đã gắn bó với Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Drăm) hơn 6 năm. Nhà ở thị trấn Krông Kmar, cách trường 45 km, chồng làm thợ điện, hai đứa con còn nhỏ không có người trông coi nên cô Thủy phải đi về trong ngày để chăm nom gia đình. Cô H'Thủy  kể: “Đoạn đường cả đi lẫn về từ nhà đến trường mỗi ngày là gần 100 km. Từ 4 giờ sáng tôi đã phải thức dậy lo cho các con xong, gửi ông bà ngoại trông giúp rồi xuống trường. Nhiều đoạn đường xuống trường đã hư hỏng nên đi lại rất khó khăn, không ít lần xe bị hỏng dọc đường phải dắt bộ, có hôm bị ngã xước hết mặt mày, chân tay”. Cùng hoàn cảnh, cô Nguyễn Thân Thanh Tuyền, giáo viên môn tiếng Anh Trường Tiểu học Yang Mao có con nhỏ chưa đầy tuổi nên phải đi về hằng ngày. Nắng cũng như mưa, mỗi ngày cô Tuyền đi về quãng đường hơn 80 km. Ngoài điểm trường chính, cô Tuyền còn đi dạy ở 4 điểm trường lẻ.

Cô Du H'Thủy (Trường Tiểu học Yang Hăn) trong một tiết dạy.

Hay thầy Phùng Anh Tuấn, giáo viên Trường Tiểu học Nhân Giang (xã Yang Mao) cũng phải đi về quãng đường 100 km mỗi ngày. Thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thầy Tuấn vẫn đều đặn xuống trường, đi từng nhà hướng dẫn giao bài cho học sinh vì phần lớn các em là người Êđê không có thiết bị học trực tuyến. Dù đường xa nhưng thầy luôn đến đúng giờ, không bao giờ trễ tiết hay nghỉ dạy.

Điểm trường Ea Rớt cách điểm chính của Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) gần 20 km đường đất đồi dốc. Điểm trường này có 7 lớp, gần 200 học sinh người dân tộc Mông. Việc đi lại điểm trường gặp rất nhiều khó khăn vì phải đi qua nhiều đèo, dốc, khe suối. Cô Lương Thị Tưới, giáo viên dạy ở điểm trường Ea Rớt chia sẻ: “Nhà cách trường hơn 20 km. Vào mùa khô thì thầy cô dạy trong điểm trường cố gắng vượt đèo để đi về mỗi ngày, còn mùa mưa thì phải ở lại. Việc đi lại trong mùa mưa thực sự là nỗi ám ảnh. Nếu mưa nhỏ thì phải cuốn xích vào bánh xe mới đi được. Nếu mưa to, nước ngập thì chỉ có cách là đi bộ”.

Cô và trò ở điểm trường Ea Rớt (xã Cư Pui). 

Dù trong hoàn cảnh nào, những thầy cô ở các trường vùng sâu của huyện Krông Bông vẫn đang từng ngày nỗ lực khắc phục khó khăn, vất vả để gắn bó với học sinh vùng sâu.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.