Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng giáo dục: Nhìn từ trường chuẩn quốc gia (Kỳ 1)

08:19, 06/11/2023

Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Kỳ 1: Hiện đại hóa trường vùng khó

Địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều nên việc phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) để chăm lo tốt cho trẻ em, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là nỗi trăn trở của các cấp, ngành, địa phương, người dân. Thông qua việc xây dựng trường chuẩn quốc gia với các tiêu chí đi kèm, trường học vùng sâu đang được hiện đại hóa.

Đổi thay từ xây dựng trường chuẩn

Huyện Lắk hiện có 18 trường học bậc mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia; trong đó Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Đắk Liêng) là trường mầm non đầu tiên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (năm 2022) và cũng là trường học hiện đại, khang trang nhất của huyện.

Khi mới thành lập, Trường Mầm non Hoa Hồng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi có 7 lớp (hơn 200 trẻ) nhưng chỉ có 8 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 3 phòng học cải tạo từ phòng làm việc của trụ sở UBND xã cũ và học nhờ, học tạm tại 4 điểm lẻ của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Những năm sau, trường được đầu tư xây dựng thêm phòng học nhưng chưa đồng bộ, không đủ đáp ứng yêu cầu dạy học, vẫn tiếp diễn tình trạng đi học nhờ, học tạm.

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Đắk Liêng (huyện Lắk) trang trí góc học tập tại phòng học của trường.

Cô Nguyễn Thị Anh, giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng nhớ lại, hoạt động giáo dục tại trường thời điểm đó gần như đơn thuần chỉ là trông trẻ mà thôi. Bởi vì cơ sở vật chất thiếu thốn, trong khi đó học sinh lại có xuất phát điểm khác nhau, là con em của nhiều dân tộc thiểu số trên địa bàn nên có sự bất đồng về ngôn ngữ khiến giáo viên rất vất vả, một số giáo viên đã bỏ nghề giữa chừng.

Đến năm 2020, 2021, Trường Mầm non Hoa Hồng được cấp hơn 5.500 m2 đất để “an cư” và đầu tư hơn 16 tỷ đồng kiên cố, hiện đại hóa trường học theo hướng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhờ đó, từ năm học 2021 – 2022 trường đã có đầy đủ các phòng học, trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động dạy và học; khuôn viên  trường rộng rãi với các khu chức năng liên quan (vui chơi, vườn cổ tích, vườn cây ăn trái); bếp và nhà ăn khang trang phục vụ bữa ăn bán trú cho khoảng 400 học sinh toàn trường…

Cô Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng cho hay, cơ sở vật chất đủ đầy đã giúp trường thực hiện hiệu quả việc đổi mới hoạt động dạy và học theo hướng lấy trẻ làm trung tâm; cán bộ, giáo viên chủ động học tập nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp dạy học để dạy dỗ trẻ tốt hơn... Hiện tại, trường đang hướng đến phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 – 4 tuổi.

Tạo đà bắt nhịp chương trình giáo dục phổ thông 2018

Đầu năm học 2023 – 2024, Trường THPT Krông Bông (huyện Krông Bông) đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường học bậc THPT toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia lên 25 trường. Để đạt chuẩn, Trường THPT Krông Bông đã được kiện toàn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định Bộ GD-ĐT đưa ra. Điều này đã giúp nhà trường tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, có nhiều học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây...

Toàn tỉnh hiện có 591 trường học đạt chuẩn quốc gia (134 trường mầm non, 273 trường tiểu học, 159 trường THCS, 25 trường THPT), tăng 31,75% so với năm 2013.

Theo lãnh đạo Trường THPT Krông Bông, trường được thành lập năm 1983 nên hệ thống cơ sở vật chất bộc lộ nhiều hạn chế; nhất là phòng học nhỏ, bàn ghế kiểu dáng cũ, thiếu sự đồng bộ, không còn phù hợp với nhu cầu thực tế. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, nhà trường đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng, hiện có 40 phòng học, 3 phòng thực hành; thư viện có hơn 3.000 đầu sách các loại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của học sinh.

Thầy Dương Kim Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Bông chia sẻ, cái khó lớn nhất của trường là học sinh đông, nhà xa trường nên việc học rất vất vả; nhưng bù lại các em lại chăm chỉ, chịu khó học tập. Do đó, sự đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong xây dựng trường chuẩn quốc gia đã tiếp thêm nguồn lực cho giáo viên, học sinh bắt nhịp chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hằng năm, nhà trường đều được bổ sung thiết bị tại phòng thư viện, phòng chức năng; 5 phòng máy tính (105 máy) kết nối Internet giúp học sinh và giáo viên quản lý hiệu quả hoạt động dạy và học…

Học sinh Trường THPT Krông Bông thực hành thí nghiệm tại phòng chức năng của trường.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, hoạt động GD-ĐT đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống trường lớp phủ khắp đến tận thôn, buôn với hơn 1.000 trường học, trong đó số trường học đã đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 57,88%. Theo Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, trường học được kiện toàn theo hướng trường chuẩn quốc gia được người dân quan tâm ủng hộ, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để huy động học sinh ra lớp, giúp ngành hoàn thành việc phổ cập giáo dục cho trẻ theo quy định.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Chuyển động tích cực từ nội lực

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.