Multimedia Đọc Báo in

Không chờ đủ thiết bị dạy học mới chuyển đổi số

10:16, 22/05/2025

Trước đây, cũng như nhiều môn học khác, việc giảng dạy môn Vật lý chủ yếu dựa vào bảng, phấn; giáo viên giảng, đọc; học sinh nghe và chép bài. Thí nghiệm thì ít vì thiếu thiết bị.

Khi học đến các hiện tượng như dao động điều hòa, giao thoa sóng, khúc xạ ánh sáng… học sinh chỉ hình dung qua sơ đồ hoặc… tưởng tượng. Gần 20 năm đứng trên bục giảng, tôi đã không ít lần nghe học sinh bày tỏ: “Thầy ơi, cái này em không hình dung được!”.

Tôi trăn trở: làm sao để có thể giúp các em hình dung được những gì mà lời nói không diễn tả hết? Tôi bắt đầu bằng những thứ đơn giản: tìm hiểu PhET Simulations – phần mềm mô phỏng thí nghiệm Vật lý trực tuyến. Mỗi tối, sau khi chấm bài xong, tôi lại mở máy học cách làm slide động, chèn mô phỏng, tạo bài kiểm tra online bằng Google Forms.

 

Tiết đầu tiên tôi áp dụng mô phỏng là bài “Dao động của con lắc lò xo”. Thay vì vẽ hình trên bảng, học sinh được xem mô phỏng lò xo dao động, tự điều chỉnh thông số, dự đoán kết quả. Bài giảng không còn là slide chữ, mà là video, hình ảnh, câu hỏi chấm điểm ngay trong tiết. Tôi cho học sinh kéo – thả mô hình trên máy, điều chỉnh khối lượng, độ cứng, quan sát sự thay đổi. Sau 45 phút, tôi thấy rõ: học sinh hào hứng hơn, nhiều em hiểu bản chất thay vì "học vẹt" công thức. Tôi tiếp tục áp dụng công nghệ thông tin vào các bài: Dòng điện, Điện trở, Sóng cơ, Giao thoa ánh sáng…

Một số em ban đầu chưa quen thao tác, nhưng chỉ sau 2–3 buổi, các em đã có thể tự điều chỉnh mô phỏng, dự đoán hiện tượng và giải thích kết quả. Tôi tổ chức thi thử bằng Quizizz, lớp học sôi nổi như tham gia trò chơi. Sau mỗi buổi học, tôi chia sẻ lại video bài giảng, hướng dẫn tự học.

Với những thay đổi ấy, giờ học môn Vật lý tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắc) – nơi tôi đang giảng dạy đã có sự chuyển biến rõ nét. Học sinh được học trên tinh thần khám phá nên tỏ rõ sự hào hứng. Một kết quả khảo sát 80 học sinh khối 10 của trường cho thấy 89% học sinh thấy “dễ hiểu hơn nhờ có hình ảnh và mô phỏng”; 84% “thích học Vật lý hơn so với đầu năm”; 91% mong muốn tiếp tục học bằng bài giảng có công nghệ hỗ trợ.

Từ thực tiễn kinh nghiệm của bản thân và học hỏi các đồng nghiệp, tôi đã nhận ra rằng dù công nghệ không thay thế hoàn toàn được giáo viên nhưng giáo viên biết dùng công nghệ sẽ giúp học sinh đi xa hơn – vượt khỏi giới hạn của trang sách, hiểu được bản chất của vấn đề, hiện tượng và tự tin hơn khi được bước đầu trải nghiệm thực tiễn. Và không nhất thiết phải chờ có đủ thiết bị mới có thể dạy học bằng công nghệ, với sự phát triển của mạng Internet như hiện nay và sự chịu khó tìm tòi của giáo viên là hoàn toàn có thể ứng dụng chuyển đổi số vào các bài giảng.

Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ngành giáo dục các địa phương cụ thể hoá. Những đổi mới, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ của giáo viên chính là nền móng vững chắc cho thành công của đề án và quan trọng hơn cả hướng tới đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy và học.

Nguyễn Văn Tú


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh
Sáng 21/5, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025) và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 tổ chức Hội nghị tổng kết các các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.