Multimedia Đọc Báo in

Gian lận thi cử, sự liêm chính và trách nhiệm trong giáo dục

07:29, 06/07/2025

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (gọi tắt là Kỳ thi) vừa khép lại với nhiều dư âm từ đề thi đến bối cảnh tổ chức.

Đặc biệt, Kỳ thi đã ghi nhận 41 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu, mang điện thoại vào phòng thi. Nghiêm trọng hơn là có những thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo để gian lận đã vượt xa khỏi khuôn khổ vi phạm quy chế thông thường.

Đơn cử như thí sinh N.P.T.S., ở tỉnh Lâm Đồng bị phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao (tai nghe không dây và camera siêu nhỏ dạng cúc áo) quay lén đề thi môn Ngữ văn truyền ra ngoài qua ứng dụng LookCam để B.T.Q. sử dụng ChatGPT giải đề và đọc đáp án qua cuộc gọi messenger. Với hành vi này, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt bí mật nhà nước”.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Điểm thi Trường THPT Lê Duẩn.

Hay tại TP. Hà Nội, trước nghi vấn lọt đề thi môn Toán (ảnh chụp một phần đề thi đăng tải trên ứng dụng giải toán bằng trí tuệ nhân tạo khi chưa kết thúc thời gian làm bài ngày 26/6/2025), lực lượng chức năng đã điều tra và bước đầu xác định thí sinh N.V.K. lén mang điện thoại di động vào phòng thi, chụp ảnh một phần đề thi môn Toán đăng tải lên ứng dụng StudyX; thí sinh L.T.M.A. chụp ảnh đề thi môn Toán, Lịch sử, tiếng Anh rồi sử dụng ứng dụng Gemini trên điện thoại giải. Trước những thông tin trên, Công an TP. Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án "vô ý làm lộ bí mật nhà nước" để điều tra, làm rõ vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT xảy ra ngày 26/6/2025.

Câu chuyện của những thí sinh vi phạm ở trên là hồi chuông cảnh báo về những thách thức thời công nghệ số, đồng thời đặt ra câu hỏi lớn về giáo dục liêm chính trong trường học. Bởi, theo quy chế thi thì đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “tối mật”. Cả hệ thống chính trị đã nỗ lực truyền thông, nhắc nhở về công tác phòng, chống gian lận thi cử nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra và gian lận thi cử không chỉ dừng lại ở vi phạm quy chế mà đã chạm đến ngưỡng vi phạm pháp luật hình sự. Phải chăng áp lực thành tích, sự thiếu hụt nhận thức về đạo đức và sự phát triển của công nghệ đã tạo nên một "công thức" nguy hiểm cho những hành vi sai trái?!

Ngoài những thách thức trong bối cảnh công nghệ số, đã đến lúc ngành giáo dục cần xét đến việc bảo đảm sự liêm chính và trách nhiệm trong giáo dục hiện nay. Liêm chính không chỉ là phẩm chất trung thực, ngay thẳng trong học tập, giảng dạy và thi cử, mà còn là ý thức tự giác, tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan. Việc giáo dục liêm chính không chỉ là một môn học hay một buổi nói chuyện, mà phải trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa học đường, được thấm nhuần qua từng bài giảng, từng hành động của thầy cô và cán bộ quản lý. Chỉ khi xây dựng được nền giáo dục liêm chính mới có thể xây dựng một thế hệ trẻ không chỉ giỏi về kiến thức mà còn vững vàng về đạo đức, dám đối mặt với thách thức bằng năng lực thực sự của mình.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc