Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục đại trà - nhìn từ kết quả tuyển sinh lớp 10 THPT

06:54, 08/07/2025

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố kết quả tuyển sinh vào lớp 10 của 85 cơ sở giáo dục công lập năm học 2025 – 2026 với 30.000 học sinh trúng tuyển bằng hình thức thi tuyển và xét tuyển.

Các thông số về điểm chuẩn, số học sinh trúng tuyển đã thể hiện bức tranh khá toàn diện về giáo dục cấp THCS trên địa bàn tỉnh.

Vẫn còn khoảng cách

Năm học 2025 - 2026 là năm đầu tiên các trường THPT công lập phía Tây Đắk Lắk (tỉnh Đắk Lắk cũ) tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10.

Theo đó, năm học 2024 - 2025, 53 trường THPT công lập trên địa  bàn phía Tây Đắk Lắk có chỉ tiêu tuyển sinh hơn 20.700 học sinh lớp 10 trong tổng số gần 23.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ có 21.148 thí sinh dự thi và có 20.163 thí sinh trúng tuyển, điều này cho thấy tỷ lệ "chọi" vào các trường thấp và tỷ lệ tuyển sinh cũng không đạt chỉ tiêu.

Sự chênh lệch điểm chuẩn giữa 50 trường THPT công lập rất lớn (trừ 3 trường chuyên biệt), đặc biệt nhiều trường có điểm chuẩn thấp nhưng vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu như: Trường THPT Hai Bà Trưng (phường Thiện An) điểm chuẩn thấp nhất là 2,5 điểm/3 môn nhưng vẫn thiếu 3 chỉ tiêu; Trường THPT Krông Bông (xã Krông Bông) có điểm chuẩn nguyện vọng 1 là 2,75 điểm/3 môn, thiếu 67 chỉ tiêu; Trường THPT Cao Bá Quát (phường Tân An) cũng thuộc nhóm có điểm chuẩn thấp với 3,75 điểm/3 môn trúng tuyển nguyện vọng 1 và đã tuyển sinh nguyện vọng 2 nhưng hiện vẫn thiếu 17 chỉ tiêu…

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026 tại hội đồng thi Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: T. Hường 

Đối với 32 trường THPT công lập ở phía Đông Đắk Lắk (tỉnh Phú Yên cũ), sau nhiều năm tổ chức thi tuyển, năm học 2025 - 2026 là năm đầu tiên tổ chức xét tuyển vào lớp 10 (riêng Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh vẫn tổ chức thi tuyển vào lớp 10).

 

"Kết quả tuyển sinh đã nhìn nhận được những điểm sáng, yếu tố tích cực, sự nỗ lực cố gắng của các nhà trường và đội ngũ giáo viên cấp THCS; đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế và thách thức trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Sau khi thực hiện Đề án thành lập Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở hợp nhất Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk (cũ) và Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên (cũ), ngành giáo dục tiếp tục đề ra và thực hiện tốt các giải pháp nhằm khắc phục những rào cản để đưa giáo dục Đắk Lắk phát triển lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Thanh Xuân.

Theo Sở GD-ĐT, năm học 2025 - 2026, 32 trường THPT công lập ở Đông Đắk Lắk đã tuyển sinh được 9.837 học sinh vào lớp 10 THPT, đạt tỷ lệ 98,12%. Những học sinh còn lại sẽ phân luồng học nghề hoặc vào Trường phổ thông Duy Tân. Trong 31 trường THPT công lập thực hiện phương thức xét tuyển, điểm chuẩn xét tuyển vào Trường THPT Nguyễn Trãi (phường Tuy Hòa) và Trường THCS và THPT Chu Văn An (xã Xuân Lãnh) cao nhất với 32 điểm; các trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (xã Đức Bình) và THPT Nguyễn Du (xã Sông Hinh) thấp nhất với 22 điểm (điểm xét tuyển quy đổi theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học của học sinh cấp THCS).

Kết quả trên cho thấy có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực, cơ sở giáo dục và tâm lý chọn trường của phụ huynh và học sinh. Điều này dẫn đến nhiều trường ở khu vực khó khăn hoặc chưa xây dựng được thương hiệu gặp khó trong tuyển sinh vào các lớp đầu cấp.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Theo ngành giáo dục, năm học 2025 - 2026, học sinh các khối lớp, cấp học đều học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên các trường học, giáo viên đã chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Giáo viên phải tìm cách đổi mới phương pháp dạy học, tạo hứng thú cho học sinh và có sự tương tác để các em chủ động trong học tập.

Nhiều giáo viên cho rằng, tùy vào năng lực học sinh mà giáo viên chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng; linh hoạt trong kiểm tra, đánh giá học sinh; tạo cơ hội cho học sinh học tập hiệu quả.

Thầy Đỗ Đại Duy, Tổ phó Tổ Vật lí, Trường THPT Lê Lợi (xã Đồng Xuân) chia sẻ, nhằm giúp học sinh có sự tương tác, chủ động trong học tập, giáo viên sẽ giao việc theo nhóm để các em chuẩn bị bài mới thuyết trình tại lớp. Những kiến thức giáo viên giao cho học sinh phải lựa chọn vừa sức; đồng thời tạo sự hứng thú học tập thông qua việc chế tạo một số linh kiện điện tử đơn giản liên quan đến các cơ chế hiện tượng vật lí nhằm áp dụng kiến thức đã học.

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Chu Văn An. Ảnh: T. Hường

Theo thầy Lê Thành Phương, Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Nguyễn Huệ (phường Tuy Hòa), việc nâng cao chất lượng giáo dục, giảm chênh lệch khoảng cách giữa các trường, vùng miền cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Các trường phải hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các bài học sinh động, hấp dẫn; áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như: học tập hợp tác, vấn đáp, thảo luận, khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu…

Thanh Hường - Trung Hiếu


Ý kiến bạn đọc