Phát minh mới hữu ích cho nông nghiệp
Robot tự động gieo hạt trên sa mạc
Tại triển lãm Global Grad Show thường niên được tổ chức tại Dubai hồi trung tuần tháng 11/2021, khách tham quan được tận mắt chứng kiến một sản phẩm thông minh, đó là robot có khả năng gieo hạt trên sa mạc. Sản phẩm có tên A'seedbot của một nghiên cứu sinh Viện Thiết kế và Đổi mới Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
A'seedbot dài khoảng 20 cm với các chân được chế tạo bằng công nghệ in 3D. Robot vận hành bằng pin mặt trời để sạc vào ban ngày và làm việc vào buổi tối. Nó có thể vận hành tự động trên cát trong bán kính 5 km, tìm nơi có độ ẩm thích hợp, sau đó gieo hạt giống lên đó. Do A'seedbot tự hành hoàn toàn nên việc duy nhất con người cần làm là đổ đầy hạt giống vào khay cho robot. Mục tiêu của A'seedbot là dùng để trồng cây xanh trên sa mạc, giúp phủ xanh hành tinh, nhất là ở những nơi con người khó tiếp cận.
Robot gieo hạt trên sa mạc. |
Sản xuất hydro nhiên liệu từ cây chuối
Công ty Ways2H có trụ sở tại California (Mỹ) vừa ký thỏa thuận với hãng Valecom, một nhà cung cấp giải pháp năng lượng và sinh thái ở Caribe để phát triển phương pháp sản xuất hydro mới từ cây chuối. Dự án có mục tiêu biến 9.000 tấn chất thải trên đảo Martinique thành hydro nhiên liệu. Theo dự báo, hydro từ tất cả các nguồn có thể chiếm thị phần lên tới 20% năng lượng tiêu thụ vào năm 2050, nhu cầu hằng năm khoảng 20 tỷ tấn, tăng gấp 10 lần từ năm 2015 đến năm 2050. Dự án trên dự kiến đi vào hoạt động năm 2024, giúp giải quyết được hai vấn đề quan trọng là đáp ứng nhu cầu về hydro tái tạo để giảm lượng khí thải và hạn chế chất thải chôn lấp. Thân cây chuối, vỏ quả chuối được xử lý qua quá trình phân hủy yếm khí hai giai đoạn để sản xuất hydro và metan.
Riêng vỏ chuối, người Anh còn có kỹ thuật nghiền nát rồi trộn với mùn cưa. Hỗn hợp này được nén và làm khô để tạo thành bánh, khi bốc cháy và tỏa nhiệt rất ổn định. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), hydro có thể sử dụng làm nhiên liệu cho nhiều thứ bao gồm máy tính xách tay, điện thoại di động và xe hơi. Hiện nay, nước Mỹ có khoảng 500 chiếc xe hơi chạy bằng điện gốc nhiên liệu hydro.
Dùng chuối để sản xuất hydro nhiên liệu. |
Biến bã cà phê thành... pin xe điện
Nhóm nghiên cứu ở Khoa Luyện kim & Vật liệu và Khoa công nghệ thuộc Đại học Indonesia (UoI) vừa phát triển thành công phương pháp biến bã cà phê thành vật liệu để sản xuất pin Lithium-ion dùng cho xe điện. Theo nghiên cứu, bã cà phê sau khi được xử lý, được dùng thay cho vật liệu than chì (graphene) có tính dẫn điện, sau đó trộn với hợp chất titanium dioxide để tạo ra pin Lithium titanate (LTO), một dạng pin Lithium-ion có độ ổn định và an toàn cao. Ưu điểm của vật liệu này giúp pin nhẹ hơn, có thời gian sạc nhanh hơn và được sử dụng cho nhiều phương tiện hiện đại, như xe máy điện, ô tô điện, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, robot...
Ý tưởng sử dụng bã cà phê làm pin Lithium-ion của UoI không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn đảm bảo về môi trường, do việc đun nóng bã cà phê dùng tạo pin không cần nguồn nhiệt quá lớn so với các vật liệu bình thường khác. Rất thích hợp đối với những vùng trồng và tiêu thụ cà phê lớn như Indonesia, Việt Nam, Brazil...
Vật liệu mới tạo ra cửa sổ “thông minh” làm ấm hoặc mát ngôi nhà
Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và Đại học Hebrew (Israel) hợp tác phát triển một loại vật liệu mới để sản xuất cửa sổ điện sắc (EC) có thể chặn bức xạ hồng ngoại, thành phần chính của ánh sáng mặt trời phát ra nhiệt.
Vật liệu có cấu trúc nano có thiết kế đặc biệt, bao gồm các thành phần tiên tiến như titan điôxít (TiO2), vonfram trioxit (WO3), neodymium-Niobi (Nd-Nb) và oxit thiếc (SnO2). Dùng để phủ lên các tấm kính và khi được kích hoạt bằng điện, người dùng sẽ có thể "bật và tắt" quá trình truyền bức xạ hồng ngoại qua cửa sổ. Theo nhóm sáng chế thì nó có thể chặn tới 70% bức xạ hồng ngoại theo các mô phỏng thực nghiệm, đồng thời vì có tới 90% ánh sáng nhìn thấy đi qua cửa sổ nên không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người sống trong nhà. Vật liệu này cũng bền hơn, rẻ hơn, hiệu quả điều chỉnh nhiệt cao hơn khoảng 30% so với các cửa sổ điện sắc hiện đang bán trên thị trường.
Nhật Bản chính thức thương phẩm cá tráp đỏ chỉnh sửa gene
Nhật Bản vừa chính thức thương phẩm cá tráp đỏ chỉnh sửa gene. Loại cá tráp đỏ này có tên Madai, chính thức xuất hiện trên thị trường hồi tháng 10/2021 vừa qua.
Madai được chỉnh sửa gene (GE) bằng công nghệ CRISPR để loại bỏ một loại protein ngăn chặn sự phát triển của cơ bắp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hiệu suất sử dụng làm thức ăn tăng thêm 14%. Madai sau chỉnh sửa gene cho tỉ lệ thịt nhiều hơn tới 20%.
Các nhà khoa học đã hoàn thành các thủ tục để đưa Madai “ra chợ" khiến nó là thực phẩm động vật được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới được tung ra thị trường. Trước đó, một loại cà chua chỉnh sửa gen chứa thành phần dưỡng chất có tác dụng giúp làm hạ huyết áp đã được bán rộng rãi cho người tiêu dùng.
Hùng Nguyễn
(Theo CNN/PC/VI/SDC/CNN/TC -11/2021)
Ý kiến bạn đọc