Hàng hóa dồi dào, người dân Buôn Ma Thuột được “đi chợ hộ”
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TP. Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã chủ động nguồn cung ứng thực phẩm dồi dào. Cùng với đó, người dân được "đi chợ hộ", tạo điều kiện tốt nhất để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cơ bản, yên tâm ở nhà chống dịch.
Chủ động nguồn cung
Theo thông tin từ các siêu thị, trung tâm thương mại như: MM Mega Buôn Ma Thuột, Co.opmart Buôn Ma Thuột, Go Buôn Ma Thuột…, một ngày sau khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg (thành phố yêu cầu người dân không đi chợ, đến siêu thị, trung tâm thương mại trong 5 ngày), sức mua tăng gấp đôi so với trước, chủ yếu là đơn hàng trực tuyến.
Trong đó, nhu cầu mua sắm tập trung ở các mặt hàng thực phẩm như rau xanh, củ, quả, thịt, cá, đồ hộp... Giá cả các mặt hàng được bình ổn. Nhóm hàng thiết yếu đã được các siêu thị dự trữ đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, hiện chưa có tình trạng để trống trên các kệ hàng.
Việc chuẩn bị hàng hóa trong những những ngày tiếp theo khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 cũng được các siêu thị chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Các siêu thị chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. |
Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho biết, từ ngày 27 đến 31-8, siêu thị không nhận khách đến mua sắm. Thay vào đó, sẽ bán hàng online và nhận đơn hàng từ tổ công tác hỗ trợ ở các xã, phường. Siêu thị cũng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân đặt hàng trực tuyến. Cùng với đó, chủ động điều tiết lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ người dân, bố trí đủ và kịp thời đội ngũ nhân viên bán hàng, nhân viên giao hàng để kịp đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Cũng theo đại diện siêu thị này, ngoài nguồn hàng đã dự trữ trước đó, đơn vị cũng tăng cường nguồn cung tại chỗ như rau, củ, quả, thịt, cá từ địa phương và bổ sung thường xuyên trong ngày để đáp ứng đơn hàng online.
Theo Sở Công thương, hiện nay nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn được bảo đảm, tình hình thị trường cơ bản ổn định, chưa có biến động. Về giá cả các mặt hàng không tăng đột biến, thậm chí, nhiều siêu thị còn thực hiện kéo dài chương trình khuyến mãi, giảm giá để hỗ trợ người dân mua sắm trong thời điểm dịch bệnh. Do đó, người dân yên tâm, không lo tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra. Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mua hàng bằng hình thức trực tuyến để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Theo tính toán của Sở Công thương, nguồn tự cung của tỉnh thì heo có 830.000 con; trâu, bò có 305.000 con; đàn gà, vịt có gần 13 triệu con; rau, củ quả có 10.500 ha… cơ bản chủ động được nguồn cung thực phẩm tươi sống tại chỗ. Cùng với đó, gạo và các mặt hàng thực phẩm khác đã được dự trữ gấp ba lần so với bình thường. Hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đang rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.
Bán hàng theo combo và “đi chợ giúp dân”
Điểm khác biệt là thời điểm này, lần đầu tiên, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thực hiện bán hàng theo “combo lương thực, thực phẩm thiết yếu” có sẵn với các mức giá từ 100.000 đến 500.000 đồng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Nhân viên Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột thiết kế các "combo thực phẩm" phục vụ khách hàng. |
Nhiều combo hàng hóa thiết yếu đã được các siêu thị thiết kế kèm mức giá cụ thể và bố trí nhân sự để kịp thời giao cho khách hàng. Mỗi combo thường có các mặt hàng như: thịt, cá, rau, củ, trái cây, dầu ăn, gia vị, nước mắm, trứng, sữa, gạo, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình…
Hình thức này giúp người dân mua theo các combo có sẵn, tiện lợi hơn và hạn chế tối đa việc phải đi lại. Có 5 đơn vị cung ứng trên địa bàn thành phố, gồm: Siêu thị Go Buôn Ma Thuột, Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột, chuỗi cửa hàng Vinmart, hệ thống Bách hóa xanh sẽ áp dụng hình thức bán hàng online, bán theo combo và thực hiện bình ổn giá đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong thời điểm này.
Các đơn vị cung ứng sẽ tiến hành in ấn tờ rơi, hướng dẫn mua hàng theo combo đến các hộ dân thông qua tổ hỗ trợ ở các xã, phường.
Tổ công tác phường Tân An đi chợ giúp dân. |
Cùng với đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng giao các xã, phường thành lập “siêu thị 0 đồng” để phục vụ các hộ dân khó khăn trên địa bàn và thực hiện mô hình “Đi chợ giúp dân”. Mô hình này do tổ hỗ trợ ở các xã, phường thực hiện nhằm bảo đảm mọi người dân đều tiếp cận được với hàng hóa thiết yếu, nhưng không phải ra đường.
Hiện tại, các siêu thị đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng phối hợp với các tổ hỗ trợ ở các xã, phường để cung ứng hàng hóa, vận chuyển đến tận nhà cho người dân. Người dân có thể đặt hàng trực tiếp thông qua các đơn vị cung ứng và được giao hàng tận nhà; hoặc đặt mua hộ thông qua tổ hỗ trợ ở các thôn, buôn, tổ dân phố tại các xã, phường. Việc thanh toán sẽ tiến hành bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt khi giao nhận hàng hóa. Mô hình này được áp dụng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, mua hàng theo hình thức giãn cách, không tiếp xúc.
Trong buổi sáng ngày 27-8, Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột đã nhận những đơn hàng “đi chợ hộ” đầu tiên với sự tham gia hỗ trợ của tổ công tác ở các xã, phường trên địa bàn thành phố.
Người dân có thể đặt hàng online qua số điện thoại của các đơn vị cung ứng, gồm: Siêu thị Go Buôn Ma Thuột: 19001880, 037. 8307141 Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột: 02623.957.988, 0911.859.472 Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột: 0979.480.931, 02623.88.6666 Chuỗi cửa hàng Vinmart: 0946.657.747 Hệ thống Bách hóa xanh: 0938.125.377 Cùng với đó, UBND TP. Buôn Ma Thuột và Sở Công thương cũng công bố số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về chất lượng, giá cả hàng hóa... như sau: 0945.797.722 (Phạm Xuân Trung), 0962.070.777 (Trần Trọng Lưu), 0605.505.737 (Phạm Thị Bích Nguyên), 0901.906.907 (Nguyễn Thị Dịu) |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc