Multimedia Đọc Báo in

Cà phê đặc sản vươn ra "biển lớn"

15:45, 03/09/2021

Trong vài năm gần đây, cà phê đặc sản Việt Nam bắt đầu được thị trường cà phê toàn cầu chú ý, đặc biệt là những nhà rang xay ở các nước "khó tính". Điều này cũng mở ra triển vọng vươn ra "biển lớn" của cà phê đặc sản Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. 

Những tín hiệu vui

Đầu tháng 8-2021, gần 20 tấn cà phê đặc sản, trị giá khoảng 100.000 USD của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) được xuất khẩu thành công sang Vương quốc Anh, đánh dấu một bước tiến lớn cho cà phê đặc sản Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng vì lần đầu tiên xuất khẩu được lô hàng lớn sang thị trường khắt khe như châu Âu.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk cho hay, loại cà phê đặc sản này được xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế, từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu chế biến rất kỳ công (quả chín được chọn lọc bằng tay 100%, được kiểm soát lên men nguyên trái theo các phương pháp khác nhau và trải qua giai đoạn phơi chậm). Sau quá trình chế biến, cà phê được bảo quản trong kho mát để ổn định và giữ được hương vị lâu hơn…

Đối tác ở Anh sau một thời gian dài nắm bắt, tìm hiểu sản phẩm này đã chấp nhận đặt hàng với số lượng lớn. Công ty rất tự hào khi là cầu nối cho sản phẩm của người nông dân, những người đã dành rất nhiều công sức, tâm huyết cho hạt cà phê đặc sản Việt Nam. Và tin chắc rằng cà phê Robusta của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của tất cả khách hàng trên thế giới.

Sản xuất cà phê đặc sản ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng. Ảnh: Hoàng Gia

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, cà phê đặc sản chỉ chiếm 1 - 2% tổng sản lượng cà phê toàn cầu, chủ yếu là Arabica. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số thị trường sử dụng cà phê đặc sản Robusta trong tiêu dùng nên chúng ta sẽ có cơ hội phát triển sản phẩm này. Trên thực tế, trong 2 – 3 năm nay, Việt Nam đã có xuất khẩu cà phê đặc sản với số lượng nhỏ, từ 5 tạ đến 1 tấn. Trường hợp của Simexco Đắk Lắk là đặc biệt, có thể tiêu thụ với số lượng lớn. Đây cũng là thành quả bước đầu của một quá trình dày công đầu tư xây dựng từ khâu sản xuất đến chế biến và thương mại sản phẩm. Điều này cũng cho thấy vai trò của nhà xuất khẩu trong việc nâng cao uy tín thực sự trên thương trường quốc tế, mở ra cơ hội cho việc liên kết với các hộ sản xuất cà phê đặc sản để xuất khẩu với giá tốt.

Cần làm tốt khâu sản xuất

Trên thị trường cà phê toàn cầu, Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta, chủ yếu có tiếng về sản lượng và phát triển gấp 4 lần chỉ trong thập niên 90 của thế kỷ trước, đáp ứng được việc tăng nhu cầu tiêu thụ rất nhanh của thế giới trong vài thập niên qua. Tuy nhiên về chất lượng, cà phê Việt Nam không được thừa nhận dẫn đến giá trị và thương hiệu thấp so với các nước sản xuất khác. Điều này càng khó khăn hơn khi Việt Nam tham gia vào phân khúc cà phê đặc sản.

Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2021 tuyển chọn những sản phẩm cà phê đặc sản đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Trịnh Đức Minh đánh giá, trên thực tế, làm cà phê Robusta đặc sản gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là việc thu hoạch, sơ chế, chế biến Robusta cũng khó hơn về mặt kỹ thuật so với Arabica, vì hàm lượng đường trong Robusta ít nên rất khó lên men khiến việc tạo ra những mùi hương đặc sản cũng sẽ khó hơn. Thêm vào đó, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng không phải dễ dàng, nhất là thị trường quốc tế. Bởi ngay từ đầu, Robusta luôn bị coi là hàng phẩm cấp thấp, thị trường tiêu dùng nhiều nước khó tính vẫn chưa thừa nhận dòng hàng Robusta đặc sản dù quốc tế đã đặt ra các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cho Robusta đặc sản.

Tuy nhiên, vài năm gần đây xuất hiện thị trường tiêu thụ cà phê Robusta đặc sản nên đã khuyến khích các nước sản xuất cà phê Robusta như Việt Nam bắt đầu làm cà phê đặc sản. Và Việt Nam cũng xác định mục tiêu rõ ràng là làm tập trung cho cà phê Robusta đặc sản chứ không phải Arabica. Điều này cũng buộc các nhà xuất khẩu phải đầu tư nhiều hơn cho các trang trại liên kết để tạo ra những sản phẩm có giá trị đặc sản, được người tiêu dùng chấp nhận và lựa chọn.

Theo Simexco Đắk Lắk, đơn vị đã thực hiện nhiều chiến lược, chương trình để nâng cao giá trị cà phê và cũng không ngừng nỗ lực tìm hướng đi mới có sự đột phá về chất lượng. Và công ty cũng xác định, nông dân là người quyết định chất lượng cho toàn chuỗi giá trị, do đó đã liên kết với nông dân để nâng cấp chất lượng và tìm thị trường tiêu thụ. Công ty đã mất 2 - 3 năm cùng nông dân hoàn thiện các phương pháp và quy trình chế biến cà phê đặc sản. Trên thực tế, để làm cà phê đặc sản bền vững thì cần có sự tiếp cận phù hợp từ lúc đầu. Đó là trang bị kiến thức cơ bản tốt, liên kết sản xuất có hệ thống, làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng ổn định nhưng chi phí thấp hơn…

Lô hàng cà phê đặc sản của Công ty Simexco Đắk Lắk được đóng gói và vận chuyển từ nhà máy. Ảnh: Simexco Đắk Lắk cung cấp

Hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng đã xây dựng xong Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, tập trung phát triển tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển cà phê đặc sản (từ người sản xuất, chế biến, thử nếm, chọn tạo cây giống…). Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Bộ yêu cầu phải đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản cho các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản; tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản…

Theo mục tiêu của Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; giai đoạn 2026 – 2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.