Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội

16:48, 22/10/2021

Sáng 22-10, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tổ chức họp sơ kết tình hình hoạt động 9 tháng, triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2021.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có đại diện các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự cuộc họp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì cuộc họp.

Trong 9 tháng, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5.618 tỷ đồng, tăng 378 tỷ đồng so với 31-12-2020. Trong đó, vốn từ huy động tiền gửi tiết kiệm hơn 566 tỷ đồng, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương hơn 312 tỷ đồng, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 4.739 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay có 36.522 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng doanh số hơn 1.301 tỷ đồng, tăng hơn 89 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt hơn 5.599 tỷ đồng, tăng hơn 374,7 tỷ đồng so với cuối năm trước, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7,17%.

Một số chương trình có dư nợ lớn là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo hơn 3.129 tỷ đồng (chiếm 55,9% dư nợ); nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 767,4 tỷ đồng (13,7%); giải quyết việc làm và người lao động đi làm việc ở nước ngoài 374 tỷ đồng (6,68%)…

Bên cạnh việc tập trung thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao năm 2021, chi nhánh thường xuyên quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh 8.568 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,15%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (dưới 0,2%).

Các đại biểu trình bày ý kiến về việc
Các đại biểu trình bày ý kiến về việc tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội thời gian tới.

Từ nay đến cuối năm, NHCSXH chi nhánh tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động cho vay, phấn đầu đến 30-11-2021, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình; rà soát, nắm bắt nhu cầu, kịp thời giải quyết vốn cho các đối tượng, nhất là người dân đi làm ăn xa trở về địa phương từ các vùng dịch để phục hồi sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 0,2%; đồng thời, duy trì hiệu quả hoạt động các điểm giao dịch cấp xã...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh NHCSXH tỉnh cần tiếp tục khai thác nguồn vốn từ các quỹ, tiền nhàn rỗi của các đơn vị, tổ chức kinh tế để tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra hoạt động cho vay ủy thác của các hội, đoàn thể; tăng cường rà soát, theo dõi nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, kiện toàn, củng cố đối với các tổ trung bình, yếu kém; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan để triển khai hiệu quả công tác cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 10-6-2021 của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, sở, ngành liên quan và các hội đoàn thể phối hợp với NHCSXH để có kế hoạch giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho lao động địa phương từ các tỉnh, thành về quê.

Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách giai đoạn 2016 - 2020.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.