Cà phê được mùa, được giá, nhà nông vẫn kém vui
Mới đầu vụ, nông dân trên địa bàn tỉnh nhận được tin vui khi giá cà phê nhân đang ở mức trên 40 nghìn đồng/kg, cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Ông Trần Văn Nam (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho hay, chỉ còn một tuần nữa, gia đình sẽ bước vào vụ thu hoạch chính 1,5 ha cà phê trồng xen với hồ tiêu. Ông Nam phấn khởi khi cà phê tăng giá.
“Thông thường, giữa vụ, cà phê mới lên giá, nhưng nay mới vào vụ đã có giá tốt. Đây là tín hiệu vui cho nhà nông chúng tôi. Tuy vậy, xem tin tức thấy giá thay đổi hằng ngày, tôi rất hồi hộp. Tôi chỉ mong giá cà phê ổn định, đừng đảo chiều bởi suốt 10 năm qua, nông dân trồng cà phê đã nếm đủ vất vả vì giá thấp lẹt đẹt”, ông Nam chia sẻ.
Ngoài giá cả, ông Nam còn thêm niềm vui khi vườn cà phê sai quả, dự báo được mùa. Sự kiến 1,5 ha cà phê của ông sẽ cho thu gần 3 tấn cà phê nhân, tăng hơn 0,5 tấn so với vụ trước. Theo ông Nam, năm nay thời tiết diễn biến thuận lợi giúp cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt khi cây ra hoa đậu quả không bị sâu bệnh hại tấn công, tỷ lệ rụng trái non rất thấp. Ông Nam dự tính, nếu cà phê có giá 40 nghìn đồng/kg, gia đình sẽ thu gần 120 triệu đồng. Số tiền thu về khá lớn nhưng sau khi trừ chi phí, gia đình ông chẳng còn nhiều vì chi phí đầu tư khá lớn.
Nông dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu thu hoạch cà phê. |
Anh Y Hai Mlô (xã Cư Né, huyện Krông Búk) tính toán, mỗi năm 1 ha cà phê cần trên 35 triệu đồng tiền phân bón và dầu nhớt chạy máy tưới nước vườn cây; nếu tính cả công chăm sóc và thu hoạch sẽ thêm khoảng 10 triệu đồng/ha. Như vậy, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, nông dân lãi từ 30 - 35 triệu đồng/ha cà phê. Mức lợi nhuận trên không tương xứng với thời gian, công sức nông dân đầu tư suốt một năm. Chưa kể trong năm qua giá một số loại phân bón đã tăng từ 20 - 30%. Đơn cử, phân bón hỗn hợp NPK hiện có giá hơn 900 nghìn đồng/bao 50 kg (tăng gần 200 nghìn đồng/bao); các loại phân đơn như: đạm, lân, kali tăng từ 9 - 20 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng giá từ 15 - 20% so với trước. Gần đây, giá xăng dầu tăng đã kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tăng cao.
Trước thực trạng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng và chưa có điểm dừng, anh Y Hai xác định sẽ chuyển hướng sang sử dụng phân bón hữu cơ, tích cực làm phân vi sinh vừa tốt cho vườn cây, giảm được chi phí sản xuất. “Tôi đã suy nghĩ kỹ, giá cà phê tăng không nhanh bằng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu. Làm nông mà phụ thuộc quá nhiều vào phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật thì người trồng khó đạt lợi nhuận xứng đáng với chi phí đầu tư, chưa kể chất lượng sản phẩm giảm, đất đai cằn cỗi”, anh Y Hai bày tỏ.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, giá cà phê tăng đầu vụ là tín hiệu vui cho người nông dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nhân công thu hái; ngoài ra, thời tiết được dự báo sẽ có mưa kéo dài cũng tác động đến chất lượng, năng suất cà phê. Do đó, nông dân cần tính toán nhân công, nắm bắt diễn biến thời tiết để chủ động thu hái đạt hiệu quả.
Theo một số chuyên gia, lý do khiến giá cà phê tăng cao như hiện nay là do thị trường tiêu thụ trên thế giới bị thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Việc này xuất phát từ Brazil - nơi xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới bị giảm sản lượng do bị hạn hán và các đợt sương giá. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới đang có xu hướng tăng lên trong năm nay khi các nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. |
Cẩm Anh
Ý kiến bạn đọc