"Chuyển mình" giữa đại dịch
Dịch COVID-19 khiến thị trường có nhiều biến động, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy. Việc đi lại, tham gia các hoạt động thường nhật của người dân cũng hạn chế hơn trước. Đa số các giao dịch cần đến sự tiếp xúc trực tiếp đều tạm ngừng. Những điều này đã buộc hoạt động thương mại, trao đổi mua bán hàng hóa trên thị trường cũng phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Trước đây, ngành bán lẻ thường bán hàng trực tiếp, nhưng khi xuất hiện dịch bệnh đã nảy sinh các hình thức mua bán khác nhau, mở ra phương thức bán hàng đa kênh, đặc biệt là bán hàng online. Trong mấy tháng qua, hình thức mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển hướng rõ rệt.
Chỉ mới cách đây không lâu, nhiều người tiêu dùng ở địa phương còn lạ lẫm, chưa quen với việc mua thực phẩm mà không đến tận nơi, vẫn muốn tự tay mình chọn từng món. Nông dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ cũng chưa quen với việc đưa sản phẩm lên bán trên nền tảng công nghệ, sàn thương mại điện tử…
Nhưng rồi họ cũng chịu khó thích nghi từng bước. Cụ thể hơn, người tiêu dùng nhanh chóng học hỏi và áp dụng ngay việc đặt hàng trên thiết bị di động, giao hàng và thanh toán tận nhà mà không cần di chuyển đến nhiều nơi như trước. Về phương diện bán hàng, hình thức buôn bán cũng đa dạng hơn.
Cách thức để đưa hàng hóa từ người bán đến người mua cũng đã khác trước rất nhiều. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đã linh động triển khai dịch vụ đặt hàng online, dịch vụ “đi chợ hộ” rồi giao hàng tận nhà cho khách. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp tích cực ứng dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động mua sắm, buôn bán… Họ nỗ lực hoàn thiện hơn trong việc bán hàng qua mạng và tìm cách tăng tương tác với khách hàng trên nền tảng trực tuyến. Tính đa dạng trong mua sắm trên thị trường vì thế cũng thể hiện thấy rõ.
Bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử tại Công ty TNHH MTV ANH COFFEE (TP. Buôn Ma Thuột). |
Một chị nông dân ở huyện Cư M'gar nuôi đàn gà lên đến trăm con. Gà đến thời kỳ xuất chuồng nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đầu ra khó khăn. Gà lớn nhanh, nếu không tiêu thụ được thì coi như "gãy" vốn. Chị nhờ con cái trong nhà lập trang tương tác trên mạng xã hội Facebook, Zalo, ngày ngày tập tành chụp ảnh, đăng bài để rao bán. Mấy ngày đầu, bàn tay lao động vốn không quen gõ chữ, một dòng tin còn sai đôi ba lỗi chính tả, hình ảnh lúc mờ lúc bị cắt khúc. Nhưng chị kiên trì vừa làm vừa học hỏi, dần dần mọi việc suôn sẻ hơn. Lượng khách đặt mua hàng tăng lên, đàn gà được chị lần lượt cho rời chuồng để xuất bán.
Thật sự, dịch bệnh khiến nhiều thứ trở nên khác lạ và không theo quy luật cũ, vậy nên đòi hỏi sự chủ động, chuyển mình thích ứng. Để trụ vững trong đại dịch, sự chuyển đổi về công nghệ, tư duy sẵn sàng thay đổi sẽ là “chìa khóa” để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tồn tại và phát triển bền vững. Sự chuyển biến này diễn ra ở nhiều cấp độ, quy mô, đi từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cá thể đến các doanh nghiệp lớn.
Theo số liệu của Sở Công thương, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng của năm 2021 thực hiện được hơn 60.585 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 70,8 % kế hoạch năm. Thực tế cho thấy, trong cơn đại dịch bùng phát, cung cầu của ngành bán lẻ, tiêu dùng trên địa bàn vẫn được giữ nhịp nhờ vào sự thích ứng tốt với công nghệ của người dân, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Có thể thấy, dịch bệnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động tiêu cực đó. Trong thách thức thường nảy sinh cơ hội, đây cũng là động lực để phát triển, thay đổi theo hướng chất lượng, hiện đại hơn. Rõ ràng, đại dịch gây xáo trộn nhưng cũng thúc đẩy xu hướng mua bán mới, đặt ra nhiều cơ hội để tìm con đường phát triển bền vững. Nhu cầu thị trường vẫn có, điều quan trọng là có nhiều cách đi khác nhau để phù hợp với một thị trường đang đầy bất định. Trong đó, yếu tố đổi mới, sáng tạo trở thành một tiêu chí mang tính “sống còn” của doanh nghiệp, hộ kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh, gắn kết thị trường cả trong và ngoài nước.
Qua đại dịch đã cho thấy rằng, kinh doanh lúc này cần đến một “tư duy khác trước", đã đến lúc phải xác định chuyển đổi số là trụ đỡ để duy trì hoạt động, cả đối với những người buôn bán nhỏ lẻ chứ không riêng gì các doanh nghiệp có tên tuổi.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc