Doanh nghiệp thận trọng mở lại tuyến vận tải hành khách
Sau hơn một tháng UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết số 128 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh dần được khôi phục. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn khá thận trọng khi mở lại tuyến.
Ngày 1/11, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10699/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, vận tải hành khách được vận chuyển hành khách tuyến cố định nội tỉnh và liên tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch được hoạt động trở lại, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc 5K, nhất là khai báo y tế, sát khuẩn, hạn chế lây nhiễm bệnh tại bến bãi và hành khách trên xe.
Phương tiện vận tải đậu tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk. |
Với phương châm “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đã từng bước khôi phục hoạt động trên các tuyến đăng ký. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp hoạt động một cách thận trọng, chủ yếu chạy để lưu thông tuyến.
Đơn cử Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng (huyện Krông Pắc), có 10 xe chạy tuyến Đắk Lắk - TP. Hồ Chí Minh, song đến thời điểm hiện tại, đơn vị mới chỉ có 1 xe hoạt động. Theo ông Nguyễn Thành Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX, sau khi có văn bản hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải về hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh, HTX đã chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số lượng khách đi lại ít nên đơn vị chỉ đưa 1 phương tiện ra lưu thông tuyến.
“Căn cứ vào tình hình đặt vé hằng ngày mà các nhà xe sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể để điều động phương tiện chở khách phù hợp với số lượng hành khách đi". ông Hoàng Thành, Giám đốc HTX Vận tải Krông Ana
|
Tương tự, tại HTX Vận tải Krông Ana (huyện Krông Ana) có 11 phương tiện đăng ký tuyến cố định từ huyện Krông Ana – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. 1 tháng nay, mỗi ngày đơn vị chỉ có từ 1 - 2 xe chạy để giữ khách quen.
Ông Hoàng Thành, Giám đốc HTX cho hay, dù các điều kiện để lưu thông vận tải hành khách tuyến cố định đã thông thoáng hơn nhiều, song do diễn biến dịch ở Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh vẫn phức tạp lượng khách ít, cộng với chi phí nhiên liệu tăng cao nên nếu đưa xe ra hoạt động trong thời gian này doanh nghiệp may ra đủ vốn, thậm chí chấp nhận bù lỗ.
Trong khi đó, Chi nhánh Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang tại TP. Buôn Ma Thuột có 12 phương tiện chạy tuyến TP. Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh, đến nay chưa sẵn sàng hoạt động. Lý do đơn vị đưa ra là nếu hoạt động trở lại thì đồng nghĩa toàn bộ bộ máy điều hành của doanh nghiệp cũng vận hành, trong khi lượng khách quá ít nên không đủ để trả chi phí. Hiện tại đơn vị chủ yếu chạy phục vụ miễn phí một số ngày để hỗ trợ những người dân có việc cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Được, điều hành Chi nhánh Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang tại TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, hiện nay chi nhánh có 70 lao động, bao gồm cán bộ quản lý, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và tạp vụ. Trong thời gian qua, dù bị tạm dừng hoạt động trên tuyến khai thác, song đơn vị vẫn hỗ trợ lương cho cán bộ, nhân viên. Thời gian tới, nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, đơn vị sẽ lên phương án hoạt động trở lại.
Bến xe phía Nam TP. Buôn Ma Thuột vắng vẻ. |
Cùng cảnh ngộ với các tuyến vận tải từ Đắk Lắk đi các tỉnh thành phía Nam thì tuyến từ Đắk Lắk đi các tỉnh phía Bắc và miền Trung cũng trong tình trạng ế ẩm khách, doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng. Đơn cử, với 12 phương tiện đăng ký tuyến Đắk Lắk đi Hà Nội, Hòa Bình, nhưng sau 2 tuần khôi phục hoạt động trở lại, nhà xe Vương Chi (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Minh Vương) chỉ dám đưa 2 xe ra hoạt động.
Theo ông Thái Minh Vương, Giám đốc công ty, việc đưa phương tiện hoạt động trở lại, đơn vị quán triệt lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trong suốt hành trình. Trong đó, đặc biệt chú trọng thông điệp 5K của Bộ Y tế, bắt buộc lưu giữ tờ khai y tế (bằng điện tử hoặc giấy) đối với hành khách khi đi xe để có thông tin trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện người có các biểu hiện mắc COVID-19. Cũng như một số doanh nghiệp vận tải khác, do lượng khách chưa ổn định nên đơn vị không dám mạo hiểm đưa hết số lượng phương tiện ra hoạt động.
Dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân cao hơn, các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng cho việc mở lại các tuyến với tần suất cao hơn. Đặc biệt, là những tuyến có lượng khách ổn định đi, đến các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng…
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc