Multimedia Đọc Báo in

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Krông Pắc:

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để giảm nghèo

09:09, 14/12/2021

Từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với việc đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm, bà con vùng dân tộc thiểu số tại huyện Krông Pắc đã dần thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vươn lên thoát nghèo, có được đời sống khá giả, ổn định hơn.

Từng bước cơ giới hóa sản xuất

Xã Ea Yiêng có hơn 85% dân cư là dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Xê Đăng. Hầu hết bà con ở đây đều dựa vào canh tác nông nghiệp nhưng do diện tích ít, đất đai manh mún lại bạc màu, thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Để giúp người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn và xây dựng các mô hình sản xuất mới. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư đồng bộ hơn, làm tăng diện tích lúa 2 vụ. Hiện, toàn xã có hơn 420 ha lúa nước, hơn một nửa trong số đó đã canh tác 2 vụ. Bà con cũng tự đầu tư phương tiện cơ giới, máy móc giúp tiết kiệm sức lao động.

Diện tích chuẩn bị triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lúa nước tại xã Ea Yiêng.

Anh Ê, Bí thư Chi bộ, Buôn trưởng buôn Kon Hring cho biết, phần lớn người dân trong buôn đều đã có máy cày, máy gặt lúa, 4 hộ đã trang bị được máy gặt đập liên hợp. Bà con cũng đã chuyển đổi từ các giống lúa năng suất thấp sang các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 và áp dụng các giải pháp chăm sóc, phòng trừ sâu hại theo đúng kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất lúa đã đạt mức bình quân 7 tạ/sào, cao gấp 4,5 lần so với trước đây. Tỷ lệ hộ nghèo tại buôn giảm dần qua từng năm với mức giảm từ 3 - 4%.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, Phòng NN-PTNT huyện phối hợp triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lúa nước tại xã Ea Yiêng với tổng diện tích 65 ha. Gần 200 hộ tham gia cánh đồng mẫu được cấp phát cùng một loại giống ST25, xuống giống và thu hoạch đồng loạt. Trong quá trình canh tác, cán bộ kỹ thuật sẽ theo sát bà con để giám sát quy trình chăm sóc, chủ động phòng trừ sâu bệnh nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các đối tác thu mua. Mô hình được kỳ vọng sẽ giúp bà con tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập.

 

“Ngoài việc tạo mọi điều kiện để các hộ nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, huyện không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, thay đổi tư duy để người dân phát huy nội lực vươn lên”.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Pắc Phạm Hồng Thái

Thoát vòng “tự sản, tự tiêu”

Tại xã Tân Tiến, nhiều nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn thay đổi cách làm, có nhiều hộ không chỉ vươn lên làm giàu mà còn tạo việc làm cho các lao động khác ở địa phương. Đơn cử như hộ anh Y Biêng Niê ở buôn Kniêr. Mười năm trước, gia đình anh vẫn còn thuộc diện hộ khó khăn của buôn nhưng hiện giờ là gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Anh Y Biêng Niê chia sẻ, bản thân và gia đình nhận thấy muốn thay đổi kinh tế cần tiếp cận cách làm ăn mới nên đã mạnh dạn vay mượn tiền của anh em họ hàng mua 2 máy gặt đập liên hợp trị giá 700 triệu đồng để làm dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con tại xã. Sau một năm sử dụng hiệu quả, anh đã đầu tư mua thêm 2 máy gặt đập liên hợp trị giá 1,3 tỷ đồng, cải tạo 2 máy cũ thành máy chuyên chở lúa và mở rộng địa bàn cung ứng dịch vụ. Bình quân thu nhập mỗi năm từ dịch vụ cho thuê máy móc thu hoạch đạt trên 600 triệu đồng, tạo việc làm cho 50 thanh niên tại buôn trong mỗi vụ gặt. Hiện anh đã trang bị thêm 2 máy gặt đập liên hợp nữa và mở rộng diện tích sản xuất của gia đình lên 2,5 ha lúa nước 2 vụ, 1,4 ha cà phê, tiêu, sầu riêng.

Người dân buôn Kon Hring (xã Ea Yiêng) chuẩn bị đất gieo trồng vụ đông xuân.

Theo ông Lương Hồng Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến, từ các hoạt động tập huấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà bà con vùng dân tộc thiểu số tại xã đã có nhiều thay đổi trong cách nghĩ, cách làm. Hầu hết người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các cây giống, con giống mới, chất lượng cao vào sản xuất như các giống lúa lai, bò lai, cây ăn trái… Người dân cũng không còn luẩn quẩn trong vòng “tự sản, tự tiêu” mà đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất hàng hóa, dịch vụ quy mô lớn hơn. Toàn xã đã có gần 100 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có hàng chục hộ thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, việc thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, chính sách trong hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cùng với việc tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn lực, thị trường đã góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân ở huyện Krông Pắc.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.