Tết ấm của người trồng mía Ea Súp
Năm nay là vụ mía thắng lợi của nông dân huyện Ea Súp bởi cây mía đạt năng suất, giá bán cao, mang đến niềm vui lớn cho bà con khi những ngày Tết Nguyên đán đang đến gần.
Cây mía “bén duyên” trên vùng đất biên giới khoảng 10 năm nay. Qua nhiều vụ mía, điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ lặp đi lặp lại khiến nhiều nông dân chẳng mấy mặn mà với loại cây trồng này. Dù giá mía thấp, sản lượng giảm do thời tiết thì người dân ở đây vẫn phải bám trụ với cây công nghiệp này, bởi ngoài trồng mía ra, nhiều khu vực đất ở đây rất khó để trồng cây gì có giá trị kinh tế cao.
Phần lớn sản lượng mía tại huyện Ea Súp được Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk bao tiêu. |
Vụ mía 2021 - 2022, niềm vui đã đến với người trồng mía nơi đây khi có mùa thu hoạch thắng lợi. Ở Ea Súp những ngày này, người dân các xã đang khẩn trương thu hoạch mía. Không khí rộn ràng, phấn khởi bao trùm các ruộng mía từ cửa ngõ Cư M'lan đến các xã biên giới Ea Bung, Ia R'vê. Đã chiều muộn nhưng ông Phan Thanh Sơn (thôn 5, xã Cư M'lan) vẫn đang tất bật ngoài ruộng để thu hoạch mía. Vẻ mặt phấn khởi, ông cho hay, gia đình ông trồng mía từ 8 năm nay với diện tích 35 ha. Để sản xuất hiệu quả, ông đã đầu tư mua máy làm đất, xe gắp mía cây… Vụ này, giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, chi phí đầu tư hơn 30 triệu đồng/ha. Dù vậy, với năng suất bình quân 70 – 75 tấn/ha, giá mía 1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch thì gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Đang làm thủ tục nhận tiền bán mía tại Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk, bà Đinh Thị Hảo (thôn 10, xã Ea Lê) cũng không giấu được vẻ vui mừng. Gia đình bà trồng 6 ha mía, năng suất năm nay đạt khoảng 70 tấn/ha, cao hơn năm trước khoảng 20%; công ty mua 1.000 đồng/kg (cao hơn 15% so với vụ trước). “Trồng mía thì khỏe hơn các loại cây trồng khác, không phải bỏ công chăm sóc nhiều, lại thích hợp với vùng đất khô cằn ở đây. Năm nay, nhà nào trồng nhiều mía thì "ấm túi" để đón một cái tết sung túc”, bà Hảo chia sẻ.
Nông dân xã Cư M'lan (huyện Ea Súp) thu hoạch mía. |
Để giúp nông dân an tâm gắn bó lâu dài với cây mía, Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk đứng chân trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) đã thực hiện chính sách liên kết sản xuất với người dân. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cho bà con ứng trước chi phí giống, chăm sóc, phân bón, với số tiền 30 triệu đồng/ha và hỗ trợ thêm về kỹ thuật. Sản phẩm được nhà máy bao tiêu với mức giá khuyến cáo của Hiệp hội Mía đường và Bộ NN-PTNT nhưng không thấp hơn mức giá 850.000 đồng/tấn. Năm nay, mía đạt 10 chữ đường được thu mua với giá 1 triệu đồng/tấn. Ông Trần An Thượng nhà ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột đến thuê đất ở xã Ea Bung để trồng mía với diện tích 16,5 ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn, hiện đang thu hoạch được khoảng 600 tấn. Ông cho biết, năm nay công ty thu mua giá cao hơn năm ngoái nên nông dân phấn khởi, chính sách liên kết của công ty cũng giúp người trồng mía yên tâm sản xuất vì công ty hỗ trợ đầu vào cho nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Người dân chỉ cần chăm sóc cho cây mía đạt chất lượng tốt, năng suất cao theo yêu cầu kỹ thuật của công ty.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp Ea Súp, toàn huyện hiện có gần 1.000 ha mía, tập trung nhiều tại các xã Cư M'lan, Ea Rốk, Ia R'vê và rải rác tại các xã khác. Giống mía chủ lực trên địa bàn là KK3, K95, LK 86. Các loại giống này tuy chậm lớn nhưng có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với khí hậu tại địa phương và độ đường cao. Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch được khoảng 75% diện tích, năng suất đạt 65 – 90 tấn/ha, giá bán cao hơn năm trước khoảng 15% nên người dân rất phấn khởi. Dự kiến, nông dân sẽ thu hoạch hết toàn bộ diện tích mía trong tháng 2/2022, sản lượng đạt khoảng 70.000 tấn.
Minh Thông – Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc