Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm cấp nước ổn định trong mùa khô

08:32, 14/03/2022

Vào thời điểm mùa khô, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng lên, trong khi nguồn nước bị sụt giảm dẫn đến nguy cơ thiếu nước. Sử dụng nước liên tục, ổn định, bảo đảm chất lượng là điều được người dân rất quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN KHẮC DẦN, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Đắk Lắk.

* Xin ông cho biết về tình hình nước ngầm, nước mặt sông Sêrêpốk phục vụ cho việc cấp nước trong mùa khô năm nay?

Hệ thống cấp nước của Công ty có công suất khai thác được cấp phép là 81.829 m3/ngày đêm, trong đó, nước mặt sông Sêrêpốk 35.000 m3/ngày đêm, nước hồ 5.000 m3/ngày đêm, nước mặt lộ 19.600 m3/ngày đêm và 22.000 m3/ngày đêm nước ngầm giếng khoan.

Hệ thống xử lý nước hồ Ea Cuôr Kăp.

Sau khi Dự án cấp nước 35.000 m3/ngày đêm tại TP. Buôn Ma Thuột và 3 thị trấn Ea Kar, Krông Năng, Buôn Đôn hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2021, Công ty đã thực hiện việc nâng công suất khai thác nguồn nước mặt sông Sêrêpốk kết hợp với nước mặt lộ thiên lên 40.000 m3/ngày đêm, chiếm 80% tổng công suất khai thác và giảm khai thác nước ngầm giếng khoan chỉ còn 10.000 m3/ngày đêm (tỷ lệ 20% tổng công suất khai thác). Mặc dù mực nước ngầm có giảm một phần, nhưng mùa khô năm nay sẽ không tác động nhiều đến sản lượng khai thác của Công ty và chúng tôi cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.

* Để cấp nước ổn định, liên tục cho người dân trong mùa khô, Công ty đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

Với hệ thống đường ống có tổng chiều dài 235.000 km, Công ty hiện cung cấp nước sạch cho hơn 107.000 khách hàng tại TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và khu vực trung tâm các huyện: Krông Pắc, Cư M’gar, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Năng, Ea Kar. Nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân, ngay từ đầu năm, Công ty đã triển khai các giải pháp từ nguồn sản xuất đến quản lý vận hành mạng lưới cấp nước. Về nguồn nước, chúng tôi đã tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước và mực nước tại các trạm bơm, giếng khoan. Đối với các trạm bơm, giếng khoan, thường xuyên kiểm, bảo dưỡng, thay thế và nâng cấp thiết bị để các trạm bơm luôn vận hành với 100% công suất. Bên cạnh đó, Công ty đã hoàn thành chương trình quản lý mạng lưới, đường ống, đồng hồ khách hàng bằng hệ thống định vị GPS và hệ thống thông tin đại lý GIS nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, xử lý, phân tích và tăng cường công tác lưu trữ, thực hiện các phép phân tích phức tạp một cách nhanh chóng, chính xác; theo dõi và giám sát đồng hồ nước tại các vùng cấp nước qua hệ thống giám sát Datalogger online giúp nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra trên mạng lưới cấp nước. Đơn vị cũng đưa tổng đài hỗ trợ và chăm sóc khách hàng (0843.766.766) để phục vụ người dân như: sự cố cúp nước, nước yếu, bể ống hay giải đáp các thắc mắc về thủ tục lắp đặt, giá thành tiền nước

Công nhân vận hành trạm cấp nước Cư Pul.

** Vậy còn vấn đề bảo đảm chất lượng nước thì sao, thưa ông?

Như đã nói ở trên, ngay từ đầu năm, Công ty đã cho triển khai các giải pháp từ đầu nguồn đến tận cuối mạng lưới cấp nước và chất lượng nước cũng là một trong những tiêu chí được quan tâm nhất. Công ty bố trí nhân viên theo dõi thường xuyên, lấy mẫu nước đầu mỗi ca, tại mỗi khâu; từ lắng, lọc, khử trùng… để định lượng hóa chất tồn dư, bảo đảm nước đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn rất nhiều hộ dân sử dụng nước giếng đào, giếng khoan vào mục đích sinh hoạt hằng ngày,  tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch của người dân, Công ty đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn thông qua các sự kiện có liên quan như: Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và giá trị của nước sạch đối với đời sống.

* Xin cảm ơn ông!

Minh Thông (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.