Multimedia Đọc Báo in

Khắc phục các vị trí hư hỏng trên tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ

06:26, 25/03/2022

Trước tình trạng Dự án đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ xuất hiện một số vị trí hư hỏng, rỗ mặt đường, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.

Tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ được khởi công xây dựng vào tháng 6/2016, do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chiều dài toàn tuyến 26 km đi qua địa bàn các huyện Cư M’gar, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ. Công trình chính thức được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng từ cuối tháng 3/2021, hiện đang trong thời gian bảo hành.

Nhà thầu tập kết máy móc khắc phục vị trí hư hỏng trên tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ.

Gần đây trên tuyến có một số đoạn xuất hiện các vết rỗ mặt đường, hằn lún bánh xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Khi nắm bắt thông tin và nhận được văn bản của Chi cục Quản lý đường bộ III.5 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - đơn vị tiếp nhận, quản lý dự án về việc khắc phục hư hỏng công trình này, đầu tháng 3/2022, Sở GTVT đã yêu cầu các nhà thầu thực hiện bảo hành.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế hiện trường, Sở GTVT nhận thấy các nhà thầu thi công thực hiện công tác sửa chữa, bảo hành không đảm bảo kết cấu theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Cụ thể, đối với đoạn do Công ty TNHH An Nguyên thực hiện, doanh nghiệp đã triển khai sửa chữa bằng giải pháp láng nhựa các đoạn: Km 1730+00 – Km1731+00; Km1733+800 – Km1734+00; Km1735+500 – Km1736+200; Km1738+330 – Km1738+630; Km1739+700 – Km1742+870.

Tuy nhiên, các vị trí này có hiện tượng chảy nhựa, đá mạt trên đường chưa được vệ sinh có nguy cơ mất ATGT. Đối với các đoạn do Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam thi công, đến ngày 15/3/2022 chưa triển khai sửa chữa. Cụ thể, đoạn Km1750+620 – Km1750+650 mặt đường xuất hiện hằn lún vệt bánh xe khoảng 2,5 cm, gây mất ATGT, ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

Một vị trí trên tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ sau khi được khắc phục.

Trước thực trạng đó, Sở GTVT tiếp tục yêu cầu các nhà thầu khắc phục những vị trí hư hỏng trên tuyến theo đúng hồ sơ, thiết kế được duyệt. Về phía nhà thầu, ông Lê Quốc Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH An Nguyên cho biết, một số vị trí trên tuyến xuất hiện rỗ mặt đường, nhận được văn bản của Sở GTVT, đơn vị đã tiến hành khắc phục tạm thời để bảo đảm giao thông.

Tuy nhiên, thời điểm đầu tháng 3/2022 phần lớn công nhân trong tổ nhựa đều bị mắc COVID-19 nên việc khắc phục bị gián đoạn. Khi nhận được Công văn số 465/SGTVT-KHKT, ngày 16/3/2022 về việc khắc phục hư hỏng trong thời gian bảo hành đối với tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ (lần 2), Liên danh Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam và Công ty TNHH An Nguyên đã kịp thời khắc phục. Đến nay, các vị trí hư hỏng, rỗ mặt đường đã được cắt lớp mặt ở vị trí bị hỏng, thảm nhựa, tưới chống bám, bảo đảm theo hồ sơ thiết kế.

Có mặt trên tuyến vào sáng 22/3, phóng viên ghi nhận các vị trí hư hỏng đã được liên danh nhà thầu khắc phục, người dân, tài xế an tâm lưu thông trên tuyến.

Về phía chủ đầu tư, ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở GTVT thông tin, liên quan đến sự cố hư hỏng ở một số vị trí trên tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, sáng 23/3 Sở GTVT đã phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ III.5 tiến hành kiểm tra việc khắc phục. Đến thời điểm hiện tại các vị trí hư hỏng cơ bản được sửa chữa theo hồ sơ thiết kế. Trên tuyến không còn hiện tượng chảy nhựa, đá mạt trên đường đã được công nhân dọn dẹp vệ sinh, bảo đảm cho người và phương tiện lưu thông an toàn. Thời gian bảo hành công trình còn dài nên chủ đầu tư và đơn vị tiếp nhận quản lý sẽ tiếp tục theo dõi, khi xuất hiện các vị trí hư hỏng thì tiếp tục chỉ đạo đơn vị thi công kịp thời khắc phục.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.