Chuyển đổi số là con đường mà báo chí cần phải bước đi nhanh và quyết liệt
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ đến toàn cầu, mở ra những cơ hội, thách thức đan xen, đòi hỏi những sự thay đổi để phù hợp trước sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Chuyển đổi số là tất yếu và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực, trong đó có truyền thông đại chúng. Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí LÊ QUỐC MINH, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra môi trường thông tin mở. Vậy “môi trường mở” này liệu có thành “cánh cửa hẹp” cho báo chí, nhất là báo đảng các địa phương không, thưa đồng chí?
Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cơ hội cho những quốc gia nhỏ, những doanh nghiệp nhỏ, tuy đi sau và từng bỏ lỡ nhiều cơ hội trước đây thì nay có thể vươn lên mạnh mẽ, bứt phá nhanh chóng chứ không theo lộ trình từng bước truyền thống.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội cho bất kỳ ai nên đó không phải là "cánh cửa hẹp" mà là một sân chơi bình đẳng và rộng lớn. Đối với báo chí, đang có quan điểm về lợi thế phát triển là “big or niche” – muốn lớn mạnh trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay thì hoặc phải là những tập đoàn có quy mô lớn, hoặc là những tòa soạn tập trung sâu vào thị trường ngách.
Đa số các báo đảng địa phương có quy mô nhỏ, nhưng nếu biết phát huy lợi thế thị trường ngách của mình, kết hợp với việc đi tắt đón đầu để sử dụng các công nghệ làm báo hiện đại, thì hoàn toàn có thể cạnh tranh với các tờ báo lớn. Xin nhắc lại rằng công nghệ là một phần không thể thiếu của tòa soạn hiện đại. Nội dung thì mãi mãi là "vua", nhưng nếu không có công nghệ thì không thể đưa những nội dung quan trọng đến với độc giả, khán thính giả, vốn bị sao nhãng bởi tiếp cận với quá nhiều kênh thông tin trên thị trường.
Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi làm việc giữa Báo Nhân Dân với Hội Nhà báo Đắk Lắk và các cơ quan báo chí tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Trong câu chuyện chuyển đổi số, hạ tầng kỹ thuật mới là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Đồng chí có ý kiến gì về quan điểm này?
Nhiều cơ quan cho rằng chuyển đổi số nghĩa là phải đầu tư những hệ thống công nghệ phức tạp, mua sắm những máy móc tân tiến nhất, nhưng suy nghĩ này là sai lầm. Chuyển đổi số là nói đến con người chứ không phải công nghệ. Đương nhiên, những đơn vị chuyển đổi số thành công thường sử dụng nhiều công nghệ phức tạp hơn, ví dụ như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và các công nghệ máy học tiên tiến. Nhưng thay đổi tư duy từ lãnh đạo cấp cao nhất cho đến những người quản lý cấp trung và đến những phóng viên, biên tập viên, nhân viên trong tòa soạn mới là điều quan trọng.
Bà Anita Zielina, Giám đốc Sáng tạo và Lãnh đạo thuộc Trường Báo chí Craig Newmark ở Mỹ khẳng định: “Chúng ta có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm mới, phát triển ứng dụng mới, làm đủ thứ, nhưng rốt cục những sản phẩm mới đó chẳng giúp gì nếu chúng ta không có tư duy mới – nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề văn hóa cốt lõi: phong cách lãnh đạo, sự phối hợp, cách tương tác với độc giả và cả cách tương tác với nhau trong cơ quan báo chí”. Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc