Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

08:24, 04/04/2022

Hạ tầng giao thông đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng – miền núi, nông thôn – thành thị. Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng mạng lưới giao thông ngày một hoàn thiện.

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông ĐỖ QUANG TRÀ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT).

Ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở Giao thông vận tải.

Ông đánh giá thế nào về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay? Việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?

Trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến quốc lộ dài 761 km, nối liền với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Vương quốc Campuchia, kết hợp với 15.342 km đường địa phương tạo thành một mạng lưới giao thông cơ bản đồng bộ, thông suốt.

Thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm, tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, như: đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ; đường tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo); đường tránh phía Tây và đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột… Cùng với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn cũng đang từng bước được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường nhựa đi đến trung tâm. Tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường huyện đạt trên 92%; các tuyến đường xã đạt 85,96%. Mật độ mạng lưới đường từ 0,8 km/km2 tăng lên 1,2 km/km2.

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự chung tay đóng góp của người dân, đến nay nhiều con đường trên địa bàn tỉnh đã được bê tông hóa, nhựa hóa, mạng lưới giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk không có tuyến đường sắt, đường thủy kết nối với các tỉnh. Các tuyến đường giao thông chủ yếu là đường cấp IV, cấp V, nhiều tuyến đường đã khai thác sử dụng trên 15 năm, cần được cải tạo, nâng cấp. Đây là một trong những nguyên nhân, điểm nghẽn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, xuất khẩu hàng hóa, nông sản cũng như tiềm năng phát triển du lịch, thu hút đầu tư của tỉnh.

Rất nhiều người quan tâm đến tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa. Ông có thể thông tin sơ bộ về tuyến đường này?

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26 B và Quốc lộ 1 (khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột (thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).

Đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được chia thành 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 với chiều dài khoảng 32 km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Dự án thành phần 2 với chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Dự án thành phần 3 có chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự án dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm; quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.

Tuyến đường, đoạn qua xã Tam Giang (huyện Krông Năng) được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp nghiêm trọng, thiếu đồng bộ. Để khắc phục tình trạng trên, Sở GTVT tiếp tục có những giải pháp gì, thưa ông?

Do nguồn vốn từ ngân sách còn hạn chế nên khả năng tập trung đầu tư, bảo dưỡng đường giao thông của tỉnh chỉ đạt 30% nhu cầu dẫn đến nhiều tuyến đường đang xuống cấp nghiêm trọng, thiếu đồng bộ. Cùng với đó là số lượng phương tiện, mật độ giao thông tăng lên nhanh chóng làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.

Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về vấn đề phân khai đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, phân bổ 6.529 tỷ đồng, tăng 3.318 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước để tăng cường cho cải tạo, nâng cấp và mở mới các tuyến đường. Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bổ sung thêm nguồn vốn sự nghiệp để bảo trì các tuyến đường. Đồng thời trình UBND tỉnh văn bản đề nghị Bộ GTVT và Tổng Cục đường bộ Việt Nam hỗ trợ nguồn vốn nâng cấp các tuyến đường.

Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là điều kiện tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Song để đạt được mục tiêu đó, trong khi nguồn vốn từ ngân sách còn hạn chế buộc các địa phương phải có kế hoạch sử dụng, điều tiết nguồn vốn hợp lý, ưu tiên các tuyến trọng điểm, cấp bách.

Như Quỳnh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc