Multimedia Đọc Báo in

Bàn giao và đưa vào sử dụng tuyến đường dài gần 8 km do VnSAT tài trợ

20:30, 27/05/2022

Ngày 27/5, Ban quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) của tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ bàn giao và đưa vào sử dụng công trình nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ phát triển cà phê bền vững liên vùng xã Ea Yông (huyện Krông Pắc).

Tham dự buổi lễ có ông Hardwick Tchale, Chủ nhiệm dự án, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Lê Văn Hiến, Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Trung ương; đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT và chính quyền địa phương.

ảnh
Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ phát triển cà phê bền vững liên vùng xã Ea Yông.

Công trình được dự án VnSAT tài trợ cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Wi có chiều dài gần 8 km tại xã Ea Yông, với tổng mức đầu tư 22 tỷ đồng. Công trình được thiết kế theo cấp đường giao thông loại B, có bề rộng nền đường là 5 m, trong đó mặt đường bê-tông rộng 3,5 m, gồm 2 tuyến: tuyến 1 dài 2,8 km, tuyến 2 dài hơn 5 km. Công trình này khi đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là kết nối vùng sản xuất, nâng cao hiệu quả trong canh tác cà phê bền vững.

Được biết, dự án VnSAT được triển khai tại Đắk Lắk từ năm 2015 trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố, với mục tiêu đề ra là 60.000 nông dân được hưởng lợi; 50 tổ chức nông dân vùng dự án được tập huấn, đào tạo áp dụng quy trình canh tác cà phê bền vững trên diện tích 15.000 ha.

Đến nay, dự án đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, đã có 64 tổ chức nông dân được dự án đào tạo và hỗ trợ đầu tư; 72.000 nông dân hưởng lợi và diện tích cà phê được áp dụng quy trình canh tác bền vững là gần 20.000 ha. Từ năm 2016 – 2020, dự án VnSAT đã triển khai đầu tư nâng cấp tổng cộng 21 công trình cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu kết nối các vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh.

Công trình nâng cấp hệ thống đường giao thông phục vụ phát triển cà phê bền vững liên vùng xã Ea Yông là 1 trong 9 tiểu dự án cơ sở hạ tầng đầu tư công giai đoạn 2021-2022. Dự án có ý nghĩa thiết thực trong việc kết nối giao thông vùng sản xuất để phát triển cà phê bền vững cho các thành viên HTX nói riêng và nhân dân địa phương nói chung.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.