Xây dựng thương hiệu sầu riêng Krông Pắc: Bền vững từ vùng trồng
Sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được huyện Krông Pắc tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu. Những giải pháp phát triển bền vững cây sầu riêng đang được nỗ lực thực hiện, bắt đầu từ vùng trồng.
Ông Trần Quang Tá (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2014 trên diện tích 2 ha. Sau nhiều năm khai thác, ông nhận thấy vườn sầu riêng có nhiều dấu hiệu kém phát triển như cây sinh trưởng không đồng đều, vàng lá, ít bung đọt, rễ sần… Dù đã phải tăng tần suất can thiệp bằng các giải pháp chăm bón, phòng trừ sâu bệnh nhưng đều không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Quốc Vĩnh (bìa trái) cùng tham dự buổi hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng sầu riêng. |
Giữa năm 2020, ông được Công ty TNHH Syngenta Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật và các giải pháp chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại trên diện tích 1 ha sầu riêng. Từ chỗ chỉ mày mò học hỏi kinh nghiệm canh tác từ những người xung quanh, ông Tá được tư vấn từ các kỹ sư nông nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực canh tác sầu riêng, từ đó có cái nhìn rõ ràng hơn về những thói quen cần thay đổi để vườn sầu riêng phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt hại do tác động của thời tiết, sâu bệnh hại. Ông Tá cho biết, thay vì phun thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, chờ đến khi cây có biểu hiện bất thường mới cuống cuồng tìm thuốc trị, ông đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng sâu bệnh hại. Ông cũng thay thế phần lớn các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học sang các giải pháp có nguồn gốc sinh học, sử dụng thuốc đúng liều, đúng loại để phòng trị bệnh phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây sầu riêng.
Vườn sầu riêng của gia đình chị Trần Thị Hiền (xã Ea Yông). |
Xây dựng vùng trồng quy mô lớn, chất lượng cao là một trong những mục tiêu mà huyện đang tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp của địa phương triển khai thực hiện nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, góp phần phát triển thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị cho các sản phẩm sầu riêng Krông Pắc". Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh
|
Nhờ đó, vườn cây của ông Tá đã giảm được 50% chi phí cũng như tần suất can thiệp bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật mà cây trồng phát triển tốt hơn, tỷ lệ ra hoa, đậu trái giữ ổn định và đồng đều hơn. Vụ thu hoạch 2021, năng suất vườn cây đạt 23 tấn và dự kiến sẽ đạt trên 30 tấn trong vụ thu hoạch năm nay. Bên cạnh đó, với việc tránh can thiệp lên vườn cây trong giai đoạn cách ly chờ thu hoạch, độ an toàn và chất lượng của sản phẩm cũng được nâng lên.
Chị Nguyễn Thị Hiền (thôn 19/5, xã Ea Yông) cũng tiết kiệm được hơn 50% chi phí chăm bón kể từ khi chuyển đổi sang các giải pháp chăm bón hữu cơ, sinh học hợp lý. Hơn 3 năm qua, chị đã nhận được sự đồng hành từ Công ty TNHH Thủy Kim Sinh và thay thế đến 80% phân bón hóa học bằng các sản phẩm đạm cá, phân gà, phân bò ủ cùng các loại nấm đối kháng (tricodecma, nấm ba màu)… Chị cho biết, khi mới chuyển đổi giải pháp canh tác, gia đình chị không khỏi thấp thỏm vì sầu riêng là nguồn kinh tế chính. Nhưng nhờ sự hỗ trợ tận tình từ phía công ty, chị đã yên tâm gắn bó và thấy được hiệu quả rõ rệt, vườn cây xanh tốt, năng suất ổn định, đất đai tơi xốp, giảm phát sinh sâu bệnh hại.
Ngày 8/3/2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “KRONG PAC DURIAN - SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC” cho sầu riêng của huyện Krông Pắc. Đây là cơ sở để huyện phát triển thương hiệu, sản phẩm sầu riêng đưa ra các thị trường lớn, bằng con đường xuất khẩu chính ngạch.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc Y Niêm Êban, vấn đề quản lý vùng trồng đối với cây sầu riêng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn vì đa số nông dân sản xuất manh mún, tự phát, chưa quan tâm nhiều đến việc sản xuất theo các chuỗi giá trị. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi người làm một kiểu, phát sinh nhiều rủi ro từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Về phía Hội Nông dân huyện – Chủ giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC” đang xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng nhãn hiệu, cụ thể hóa bằng các hoạt động thúc đẩy nông dân liên kết sản xuất, canh tác theo các quy trình an toàn, bền vững. Đồng thời, huy động sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng.
Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất sầu riêng dưới hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng vùng canh tác áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Việc tập hợp nông dân trồng sầu riêng thành các tổ chức sản xuất, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, nhóm nông dân là hướng đi bền vững mà địa phương đang nỗ lực thực hiện trong lộ trình xây dựng và phát triển thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc".
Lê Hương – Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc