Multimedia Đọc Báo in

Agribank Lắk đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế

08:49, 02/06/2022

Khẳng định sứ mệnh phục vụ “tam nông”, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh huyện Lắk (Agribank Lắk, trực thuộc Agribank Đắk Lắk) đã tiếp sức, tạo bệ đỡ vững chắc giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội ở địa phương.

Cách đây 15 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Thuấn (buôn Bàng, xã Đắk Liêng) xây dựng cơ sở xay xát Thuấn Tâm để phục vụ nhu cầu của bà con nông dân địa phương. Tuy nhiên, với quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ, máy móc thô sơ, nên doanh thu của cơ sở hằng năm không cao.

Gặp khó khăn về nguồn vốn, gia đình ông Thuấn đã tìm đến Agribank Lắk để vay vốn phục vụ sản xuất. Vừa qua, gia đình ông đã vay thêm 4 tỷ đồng, đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng từ 200 m2 lên 1.000 m2 và trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, đồng thời tạo việc làm cho từ 10 – 30 lao động địa phương.

“Với sự trợ lực của Agribank Lắk, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ đó, mô hình kinh tế của gia đình ngày càng phát triển, với lượng khách hàng, hàng hóa tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Tôi đang tiếp tục nhờ hỗ trợ vốn từ ngân hàng để đầu tư hoàn thiện cho cơ sở sản xuất trong vụ lúa tới”, ông Thuấn chia sẻ.

Cơ sở xay xát gạo của gia đình ông Nguyễn Văn Thuấn (buôn Bàng, xã Đắk Liêng) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Từ nguồn vốn của Agribank Lắk, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (buôn Jun, thị trấn Liên Sơn) đã đầu tư và phát triển 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 1 cơ sở giải trí, chủ yếu phục vụ cho khách du lịch nhiều năm nay. Tuy nhiên do tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh, gia đình chị đã vay mượn thêm với lãi suất phù hợp và được ngân hàng giải ngân kịp thời, giúp gia đình chị gỡ khó, nhanh chóng đưa hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Hiện lượng khách du lịch đến địa phương đã tăng dần, tạo thuận lợi phát triển cho các cơ sở của gia đình chị và mang lại thu nhập ổn định cho 10 lao động địa phương.

Sự hỗ trợ vốn đắc lực của Agribank Lắk cũng đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi diện mạo nông thôn xã Buôn Tría, qua đó xã đã trở thành địa phương đầu tiên của huyện Lắk đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020. Hiện ngân hàng đã hỗ trợ 325 hộ dân xã Buôn Tría vay vốn tín dụng, với số tiền 76 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Trọng Biết, Chủ tịch UBND xã Buôn Tría, Agribank Lắk đã triển khai nhiều kênh cho vay vốn nông nghiệp, nông thôn mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân trên địa bàn xã đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo đòn bẩy tài chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm; không còn nhà tạm…

Cán bộ Agribank Chi nhánh huyện Lắk tư vấn, giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn vốn đến gần hơn với người dân nghèo vùng sâu, vùng xa, Agribank Lắk đã tổ chức nhiều phiên giao dịch tận nơi. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm nay, đơn vị đã thực hiện 4 phiên giao dịch bằng xe ô tô chuyên dùng đến hai xã Nam Ka và Ea R’bin. Đồng thời, ủy thác cho các hội, đoàn thể địa phương, cho vay qua các tổ, nhóm giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn chính thống, giảm chi phí, thời gian đi lại. Hoạt động này còn đẩy mạnh việc phát triển tín dụng, dịch vụ, đa dạng hóa các kênh phân phối và hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn.

Theo bà Hồ Thị Ngọc Ca, Giám đốc Agribank Lắk, trong quý I/2022, tổng dư nợ của Agribank Lắk là 971 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là cho vay trồng trọt, chăn nuôi với khoảng trên 80%), cho 5.000 khách hàng vay, nguồn vốn huy động từ dân cư là 466 tỷ đồng. Theo kế hoạch đến hết quý II, đơn vị phấn đấu đạt mốc 1.000 tỷ đồng tổng dư nợ và 500 tỷ đồng vốn huy động. Ngoài việc tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển hoạt động kinh doanh tín dụng, dịch vụ, đơn vị còn chú trọng thực hiện công tác "Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn", đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội của địa phương. Qua đó, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực như: trao quà, xây dựng nhà Tình nghĩa, hỗ trợ cây giống… nhằm san sẻ khó khăn, động viên các gia đình chính sách, người nghèo, người có công vươn lên trong cuộc sống.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.