Multimedia Đọc Báo in

Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng Việt

08:06, 17/06/2022

Thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, doanh nghiệp trong nước hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận, đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Thay đổi để thích ứng

Cùng một loại sản phẩm, hiện người tiêu dùng đang có nhiều sự lựa chọn về giá cả, mẫu mã. Cạnh tranh trên "sân nhà", việc để người tiêu dùng chọn sản phẩm vào giỏ hàng là cả một nỗ lực lớn của doanh nghiệp (DN) Việt. 

Trong khi đó, sự phục hồi sau đại dịch đặt DN trước nhiều thời cơ và thách thức mới. Nhận định thị trường đang "bừng tỉnh" trở lại, nhu cầu tiêu dùng có đà tăng, nhưng sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn, nhiều DN đã chủ động đổi mới công nghệ, tiếp cận và sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.

Doanh nghiệp Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương giữa TP. Đà Nẵng và 3 tỉnh Tây Nguyên năm 2022 diễn ra vào tháng 3/2022.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển An Thái (Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) thừa nhận, để tồn tại đòi hỏi DN phải nỗ lực không ngừng, tìm tòi lối đi riêng trước sự cạnh tranh trên thị trường. Đó là tìm hiểu thói quen, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Từ đó, không ngừng đổi mới, cho ra đời sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. "Thị hiếu tiêu dùng của người dân thay đổi liên tục, điều này đồng nghĩa với việc “vòng đời” của sản phẩm ngắn lại. Do đó, đơn vị phải nỗ lực cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi bao bì cũng như quy cách đóng gói để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng", ông Lợi nói.

Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu này, An Thái đã tìm cách để tăng sức hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng cả về chất lượng và bao bì, mẫu mã sản phẩm. Đơn vị vừa chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu, vừa thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tăng cường kết nối hệ thống phân phối nội địa để nâng tầm hàng Việt.

 

Việc xây dựng “Điểm bán hàng Việt” là nỗ lực của cơ quan chức năng để thực hiện “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Năm 2020, Sở Công thương đã xây dựng mô hình thí điểm “Điểm bán hàng Việt” tại Siêu thị Co.opmart Cư M’gar. Dự kiến, trong năm 2022 này, Sở sẽ tiếp tục phát triển thêm 1 điểm bán tại TP. Buôn Ma Thuột.

Chọn hướng sản xuất mỹ phẩm trong bối cảnh mỹ phẩm Việt đang chịu sự cạnh tranh áp đảo với dòng mỹ phẩm mang thương hiệu ngoại, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, bản thân công ty phải nỗ lực gấp nhiều lần để tiếp cận người tiêu dùng. Những dòng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường đang là xu hướng tiêu dùng hiện nay, do đó, mỹ phẩm chế biến từ quả bơ và cây thảo dược như: dầu quả bơ, son dưỡng, xà bông thảo dược, muối tắm bơ - cà phê... của công ty dù mới ra đời không lâu nhưng chiếm được cảm tình của khách hàng.

Chính thức thành lập DN từ năm 2020, giữa bối cảnh khó khăn do đại dịch, công ty chọn hướng bán hàng online để sản phẩm tiệm cận hơn với người tiêu dùng. Đến nay, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang đã thiết lập hệ thống phân phối với hơn 100 đại lý online rộng khắp các tỉnh thành trong nước. Mỗi tháng, đơn vị cung ứng hơn 3.000 sản phẩm ra thị trường.

Tăng tương tác cho hàng Việt

Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, cơ quan chức năng và DN Việt đã và đang tích cực đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt, tạo hiệu ứng tích cực cho sản phẩm trong nước, củng cố niềm tin với khách hàng.

Trên địa bàn tỉnh, trước tác động của dịch COVID-19, công tác tuyên truyền, thực hiện “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bị ảnh hưởng nhiều. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã nỗ lực ổn định thị trường, đưa hàng Việt chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Đóng gói sản phẩm mỹ phẩm chế biến từ quả bơ tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang.

Sở Công thương chủ trì, tổ chức các giải pháp nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường; tổ chức hội thảo, hội nghị, triển lãm, hội chợ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối, tăng độ bao phủ cho hàng Việt. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tổ chức cho 40 DN tham gia 6 hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương tại các tỉnh thành như TP. Đà Nẵng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Gia Lai, Vĩnh Long, An Giang để giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh đặc trưng của tỉnh; hỗ trợ 28 DN tham gia giới thiệu, đưa sản phẩm lên bán tại Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia; tổ chức tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử trong DN, hợp tác xã với 90 học viên tham gia...

Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, các DN trong tỉnh cũng tích cực đổi mới sản xuất, bám sát nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng, độ an toàn sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì để nâng cao uy tín, niềm tin của khách hàng. Là DN ở lĩnh vực chế biến cà phê, chuyên về dòng cà phê rang củi, Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng (huyện Cư M’gar) đã có lượng khách hàng nhất định theo “gu” của mình. Nỗ lực tìm kiếm khách hàng và mở rộng độ bao phủ cho sản phẩm, công ty tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, đồng thời đẩy mạnh phân phối thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, website... 

Bà Nguyễn Thị Thơ, Trưởng Phòng Marketing công ty cho hay, công ty áp dụng nhiều chính sách để kích thích tiêu dùng nội địa như: áp dụng giá ưu đãi tại các hội chợ, triển lãm, miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên... Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến bao bì sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử để phát triển khách hàng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​