Multimedia Đọc Báo in

Tận dụng cơ hội từ cao tốc

07:53, 12/06/2022

Với thông tin Quốc hội xem xét các dự án cao tốc, trong đó có cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa, TP. Buôn Ma Thuột đang trở thành tâm điểm được quan tâm.

Nhưng Đắk Lắk đâu chỉ có một dự án cao tốc, địa phương đang lên kế hoạch cho những “con đường mới” Buôn Ma Thuột – Đà Lạt, Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa… Vậy phía sau những hoạch định ấy, cơ hội cho đô thị cao nguyên này thực sự là gì và thành phố cần làm gì để nắm bắt?

Người dân Buôn Ma Thuột hồ hởi bởi với đường cao tốc, cư dân đô thị cao nguyên này có thể đi tắm biển và đi về trong ngày. Nhưng “đây chỉ là miếng bánh của bữa tiệc cơ hội mà vùng đất cao nguyên có được”, cần nhìn vấn đề rộng hơn. Đó là những cơ hội “vàng” cho thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên, khi trở thành tâm điểm giao thông “tốc độ cao”.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được triển khai thực hiện sẽ mở ra nhiều cơ hội để Buôn Ma Thuột phát triển. (Trong ảnh: Đèo Phượng Hoàng - ranh giới giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa). Ảnh: Hữu Hùng

Kết nối giao thương, tăng trưởng kinh tế

TP. Buôn Ma Thuột vốn có 5 nhánh giao thông tỏa ra các hướng bắc nam, song những tuyến đường này đa phần còn nhỏ hẹp, chất lượng hạn chế, nhiều vị trí hóc hiểm… Nên, hướng mở ra các cao tốc là đề xuất cần thiết giúp Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk thêm thuận lợi trong vận tải để kết nối giao thương mạnh mẽ hơn.

Như vậy, việc hình thành cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, cần đặt ra câu hỏi mỗi ngày sẽ có thêm bao nhiêu tấn hàng hóa qua tuyến đường này, đem lại lợi ích kinh tế ra sao. Đơn cử như về nông sản, một thùng bơ có thời gian bảo quản tốt nhất dưới 10 giờ, lâu nay giao thông trắc trở không bảo đảm chất lượng. Có cao tốc, đường ngắn hơn nhiều, một lô hàng xuất khẩu bơ tươi sẽ tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng hơn khi đi về phía biển. Điểm đến của cao tốc này lại là vịnh Vân Phong, cánh cửa xuất khẩu mà một thời ngành vận tải biển Việt Nam ao ước hiện thực hóa. Cơ hội tăng tốc kinh tế theo từng đơn hàng xuất khẩu từ Tây Nguyên như vậy thật sự mở ra rất nhiều.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng các thành viên Ban Chỉ đạo 321 tỉnh khảo sát thực địa tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Krông Pắc. Ảnh: Hoàng Tuyết

Đi kèm vận tải thông suốt, Buôn Ma Thuột với vị trí tâm điểm phát xuất, sẽ có thể thu hút nhiều nhà đầu tư về kho hàng ngoại quan, nhà máy chế biến, bảo quản hàng hóa… Câu chuyện vướng mắc nhu cầu đầu tư các kho lạnh, kho bảo quản nông sản mà Đắk Lắk bàn bạc bao năm qua, đã đến lúc được đặt lên bàn hiện thực. Một hệ thống logistics hàng hóa từ trung tâm Tây Nguyên tỏa đi các nơi, theo cao tốc về biển vẽ ra một viễn cảnh hấp dẫn cho kinh tế Đắk Lắk.

Dĩ nhiên, để khai thác tốt vấn đề này, địa phương cần những chính sách, tổ chức các đơn vị sản xuất, nhà máy công xưởng có công nghệ cao để bảo đảm các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến hàng hóa nông sản, nhất là tinh chế các loại nông sản ưu thế. Năng lực sản xuất của địa phương vì thế sẽ khác biệt và rất cần được đầu tư thỏa đáng.

 

Với những lợi thế cơ hội lớn và cơ bản mở ra từ dự án cao tốc, TP. Buôn Ma Thuột đang thực sự đứng trước một ngưỡng cửa thay đổi rất lớn. Vấn đề là địa phương sẽ chuyển động ra sao, và cần những chuẩn bị thế nào để đủ tinh thần và vật lực hành động?

Hấp dẫn dân cư, tăng tốc đô thị

Cơ hội kinh tế mở ra, tất yếu dẫn đến lời giải cho bài toán nhân lực, tạo hấp dẫn quần tụ cư dân về Buôn Ma Thuột. Ước mơ đạt 1 triệu dân để đủ thang điểm thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương, rõ ràng có thể nghĩ đến. Điều kiện kéo theo là địa phương cần cơ cấu phân bổ dân cư thế nào, bố trí lao động qua hệ thống sản xuất ra sao để thực sự đáp ứng tốt nhu cầu đời sống của các thị dân mới. Yêu cầu tất yếu đặt ra là TP. Buôn Ma Thuột phải tăng tốc đô thị hóa, từ chính các điều kiện hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, an sinh tiêu dùng… cho đến các nền tảng dịch vụ văn hóa, giải trí khác.

Thấy trước điều này, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã vận động đầu tư, kêu gọi các dự án phát triển những khu dân cư, cụm đô thị mới. Kịch bản phát triển diện tích sàn nhà ở đô thị đã được các cấp ngành chức năng địa phương đề ra hơn 5 năm trước. Giờ đây, tại cửa ngõ phía bắc Buôn Ma Thuột đang thành hình những khu đô thị mới, được quy hoạch và đầu tư bài bản, như khu đô thị Ân Phú, khu đô thị Eco Premium City, dự án Làng Cà phê Trung Nguyên… Những khu đô thị này vừa đáp ứng nhu cầu tăng diện tích nhà ở cho thị dân Buôn Ma Thuột tương lai, vừa tạo diện mạo hạ tầng thương mại, dịch vụ đầy tiện ích và hiện đại.

Cụm đô thị phía bắc đường vành đai phía tây Buôn Ma Thuột sẽ là những điểm nhấn đô thị mới kết nối các đường cao tốc. (Trong ảnh: Khu nhà phố liền kế thương mại đang xây dựng hoàn thiện tại dự án đô thị Ân Phú). Ảnh: N.Đức

Khi các điểm đô thị này nên hình, trong vòng 3 – 5 năm tới, cũng chính là mốc thời hạn cho dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa hoàn tất đầu tư, các dự án cao tốc khác tiếp nối vận hành sau đó. Tất cả hợp lại thành một bức tranh quy hoạch nhất quán và tích cực, để cơ hội cho hạ tầng đô thị và xã hội tại Buôn Ma Thuột thay đổi hoàn toàn.

Tất nhiên để nắm cơ hội này, TP. Buôn Ma Thuột cần có động thái “dọn mặt bằng”, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tầm nhìn và tâm thế phát triển tham gia vào địa bàn. Trước hết, là yêu cầu chấn chỉnh ngay hiện tượng thị trường bất động sản xáo trộn, "thổi bong bóng" ảo gây tăng giá hạ tầng, cản trở tâm lý nhà đầu tư. Tiếp đến, cải cách bộ máy hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công viên chức tại các cấp cơ sở, cập nhật số hóa trong cung cách làm việc… là những việc cần làm ngay và lập nghiêm để tinh gọn bộ máy và tăng chất lượng phục vụ. Thứ ba, việc đánh giá lại, chuẩn bị kỹ hơn về hệ thống dịch vụ xã hội cơ sở, gồm đào tạo cung ứng nghề, hỗ trợ y tế… rất cần được chính quyền TP. Buôn Ma Thuột tập trung thực thi và tỉnh Đắk Lắk quan tâm giám sát.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.