Multimedia Đọc Báo in

“Vực dậy” sau "bão" COVID-19

08:00, 06/06/2022

Đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để “vực dậy” nhằm ổn định lại tình hình sản xuất, kinh doanh.

Nỗ lực chuyển mình

Hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ nhà hàng, khách sạn, giải trí…, cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, trong năm 2020 và 2021, Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk đã có thời điểm doanh thu giảm sâu đến hơn 70%. Bước sang năm 2022, khi chuyển sang trạng thái "bình thường mới" cũng là lúc DN phải nỗ lực hết mình để khôi phục lại tình hình kinh doanh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, đơn vị đã phải gồng mình để cố gắng giữ lại bộ máy lao động, đây cũng chính là điều khó khăn nhất để duy trì kinh doanh. Sau khi các dịch vụ được phép hoạt động trở lại, nhiều chính sách về giá, các gói khuyến mãi đã được công ty đưa ra nhằm thu hút khách hàng. Đơn vị còn kết nối với các tỉnh lận cận để đẩy mạnh hoạt động thu hút khách du lịch.

Khách sạn Sài Gòn - Ban Mê (Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk) đang thu hút khách trở lại sau dịch.

Không chỉ các DN kinh doanh ngành thương mại, dịch vụ mà các DN khối sản xuất cũng gặp không ít khó khăn và cần động lực mạnh mẽ để vươn lên sau "bão" COVID-19. Đơn cử như Công ty TNHH Yaris, chuyên sản xuất các loại tinh dầu cũng “ngủ đông” khá dài trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh. Bà Hoàng Thị Thơm, Giám đốc công ty cho hay, sau khi tái khởi động sau dịch, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại doanh thu và tìm đối tác vì nhiều đơn vị đã nghỉ kinh doanh. Công ty đã đưa ra các biện pháp mang tính chiến lược như ra mắt sản phẩm mới, mở rộng bán sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh bán hàng kết hợp với đầu tư xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm.

 

“Nhằm giúp DN sớm vực dậy sau ảnh hưởng của dịch, bên cạnh 8 nhóm hỗ trợ trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế của tỉnh, DN còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác như giảm tiền điện, tiền nước và các gói hỗ trợ từ Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác”.

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà

Hiện tại, công ty đang triển khai xây dựng các nông trại (farm) để kinh doanh theo mô hình canh nông. Với mô hình này, khách hàng sẽ được trải nghiệm quy trình trồng và chăm sóc các loại cây để sản xuất nên tinh dầu. Hy vọng cách làm này sẽ thu hút được nhiều khách hàng đến với Yaris. Bên cạnh đó, công ty còn đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các chương trình, sự kiện để tìm kiếm thêm nhiều khách hàng cùng như đối tác mới.

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, thời gian qua Hiệp hội đã làm tốt vai trò làm cầu nối để phản ánh những khó khăn của DN đến với các cấp, các ngành của tỉnh cũng như Trung ương. Với những khó khăn chung của cộng đồng DN, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN khởi động, phục hồi phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện "bình thường mới", cụ thể như: Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC giảm 30 loại phí, lệ phí; Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; chính sách giảm lãi suất cho DN, hộ kinh doanh cá thể.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm gian hàng trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Yaris tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Theo ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để hỗ trợ, đồng hành cùng DN, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư để giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho DN triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Tỉnh còn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN; hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ DN chuyển đổi số, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình DN…

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế của tỉnh, để hỗ trợ DN khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh tiếp tục triển khai 8 nhóm hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; tín dụng; hỗ trợ, phát triển du lịch; hỗ trợ phát triển thông tin - truyền thông; hỗ trợ DN tổ chức sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung ứng hàng hóa; hỗ trợ DN phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.