Huyện Lắk: Chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ
Khoảng tầm 2 tuần nữa, một số diện tích lúa hè thu năm 2022 trên địa bàn huyện Lắk sẽ vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, mưa lớn trong những ngày qua đã nhấn chìm hơn 1 nghìn ha, khiến bà con thấp thỏm, lo lắng.
1 vụ mùa “gánh” 2 cơn lũ
Từ ngày 8 đến 11/8/2022 trên địa bàn huyện Lắk có mưa lớn trong nhiều giờ và nước từ các lưu vực sông, suối đổ về gây ngập lụt cây trồng vụ hè thu năm 2022 tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Theo thống kê sơ bộ đến ngày 12/8, trên địa bàn huyện có khoảng 1.103 ha lúa nước vụ hè thu năm 2022 bị ngập lụt. Trong đó xã Buôn Triết ngập lụt 600 ha; xã Buôn Tría 141 ha; xã Đắk Liêng 295 ha; xã Ea R’bin 10 ha; xã Yang Tao 20 ha; xã Bông Krang 11 ha; xã Đắk Nuê 10 ha và thị trấn Liên Sơn 16 ha.
Đến chiều ngày 12/8, lượng nước từ sông Krông Ana đổ về cánh đồng trên địa bàn xã Buôn Tría vẫn còn rất lớn. |
Ghi nhận tại xã Buôn Tría trong ngày 12/8, dù mưa đã tạnh nhưng lượng nước lớn từ sông Krông Ana và suối Đắk Liêng vẫn tiếp tục chảy vào các cánh đồng, khả năng trong những ngày tới diện tích ngập lụt sẽ cao hơn. Bí thư Đảng ủy xã Buôn Tría Đào Quang Lâm cho biết, vụ hè thu năm 2022, địa phương gieo trồng hơn 900 ha lúa nước, tính đến ngày 12/8 có gần 150 ha bị ngập. Bên cạnh đó, trong chiều 11/8, trên địa bàn ghi nhận 1 đoạn bờ bao sông Krông Ana (khu vực suối Cụt) giáp ranh giữa xã Buôn Tría và xã Đắk Liêng nước sông tràn qua và gây sói lở. Trước tình đó, UBND xã đã huy động lực lượng tại chỗ cùng phương tiện cơ giới tiến hành gia cố đoạn bờ bao ngăn nước tràn vào cánh đồng.
Ông Nguyễn Văn Xuân, thôn Hòa Bình 3, xã Đắk Liêng (huyện Lắk) có đất canh tác tại xã Buôn Tría cho hay, vụ hè thu năm nay nhà ông gieo trồng 2 ha lúa nước, cơn lũ đợt này đã nhấn chìm 8 sào, hầu hết lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa nên khả năng mất trắng đến 80% diện tích ngập. Hiện nay nước từ sông, suối vẫn tiếp tục đổ vào ruộng, gia đình ông đứng ngồi không yên.
Tương tự, đợt lũ lần này, hộ ông Nguyễn Văn Kim, ngụ thôn Hòa Bình 3, xã Đắk Liêng cũng bị ngập khoảng 1,5 ha. Những ngày qua, ngày nào ông cũng ra thăm đồng để kiểm tra lúa với hy vọng nước rút nhanh để diện tích lúa bị ngập đỡ thiệt hại.
Cánh đồng thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết ngập chìm trong nước. |
Tại xã Buôn Triết – địa phương có diện tích bị thiệt hại lớn nhất trong đợt lũ lần này với hơn 600ha bị ngập lụt. Hiện ở những ruộng tỷ lệ chín khoảng 60-70% bà con tranh thủ thu hoạch, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để đưa lúa về.
Được biết, đây là cơn lũ thứ 2 trong vụ hè thu năm nay, khiến bà con trồng lúa trên địa bàn huyện Lắk thiệt hại rất lớn. Trước đó, vào cuối tháng 5/2022, cũng do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày, hơn 600 ha lúa mới gieo sạ trên địa bàn huyện cũng bị ngập lụt, buộc bà con phải sạ lại.
Ưu tiên công tác chống lũ, đề phòng sạt lở đất
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND huyện Lắk đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên tập trung cho công tác chống lũ. Trong sáng 12/8, tổ công tác của UBND huyện Lắk đã đi kiểm tra thực tế tại các địa bàn bị thiệt hại nặng do lũ. Tại xã Buôn Triết, đến kiểm tra thực tế vị trí sạt lở tại hộ ông Y Lap Bkrông (ngụ tại buôn Tung 3), các thành viên trong tổ công tác đã động viên, khuyến khích gia đình ông khắc phục khó khăn, ổn định tình hình để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Đối với UBND xã Buôn Triết, tổ công tác yêu cầu phải thường xuyên cập nhật tình hình bão lũ, sạt lở đất trên địa bàn để nhắc nhở người dân chú ý, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, trường hợp cần thiết phải chủ động di dời người dân đến nơi ở khác. Đồng thời địa phương cũng phải chủ động chỗ ở tạm thời cho các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở như trường học, nhà văn hóa thôn, buôn… với phương châm bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết.
Đi kiểm tra tình hình tại thôn Mê Linh 2 – khu vực bị ngập khoảng 80 ha lúa, khả năng mất trắng rất cao, tổ công tác đề nghị UBND xã Buôn Triết tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, đồng thời thống kê mức độ thiệt hại để báo cáo, đề nghị cấp trên kịp thời hỗ trợ người dân.
Công trình phụ của hộ chị Nguyễn Thị Bích, buôn Tung 3, xã Buôn Triết bị đất lấp vùi. |
Còn tại xã Buôn Tría, địa phương có 2 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, trong đó đoạn bờ bao khu vực suối Cụt đã được gia cố tạm thời vào chiều 11/8. Qua kiểm tra của chính quyền địa phương ghi nhận cách suối Cụt tầm 500 mét, lượng nước từ sông Krông Ana đổ về các cánh đồng khá lớn, do đó địa phương tiếp tục huy động lực lượng, máy móc để gia cố đoạn này nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại của người dân. Đối với khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn, xã chỉ đạo các ban tự quản thôn tiếp tục theo dõi, rà soát, có sự cố xảy ra lập tức báo cáo để di dời người dân về nơi an toàn.
Phương tiện chở đất gia cố bờ bao đoạn suối Cụt trên địa bàn xã Buôn Tría. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ cho hay, dù thời tiết hiện tại đã ngừng mưa nhưng các địa phương không được chủ quan, luôn phải chủ động trong công tác phòng, chống bão lũ. Các công tác khác rất quan trọng, nhưng nhiệm vụ chống lũ, bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân cần phải ưu tiên hàng đầu. Chỗ nào xung yếu, nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao thì chính quyền địa phương phải kiểm tra thường xuyên, khi có sự cố xảy ra thì huy động lực lượng tại chỗ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc