Multimedia Đọc Báo in

Nữ cựu thanh niên xung phong vượt khó làm giàu

08:16, 02/08/2022

Nhìn vào cơ ngơi của vợ chồng bà Lê Thị Vinh (ở thôn 2, xã Cư M'ta, huyện M’Drắk) hiện nay, không nhiều người biết rằng trước đây gia đình bà từng có cuộc sống vô cùng khó khăn.

Bà Vinh quê ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Từ năm 1971 - 1973, bà tham gia lực lượng thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ mở các tuyến đường ra tiền tuyến trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Sau khi trở về địa phương làm ăn sinh sống, năm 1984 bà cùng gia đình đi xây dựng kinh tế mới tại thôn 2, xã Cư M'ta, huyện M’Drắk.

Từ những ngày đầu lập nghiệp với hai bàn tay trắng, gia đình bà gặp vô vàn khó khăn, mọi sinh hoạt còn phụ thuộc vào chính sách kinh tế mới của Nhà nước, rồi lần lượt 6 người con ra đời. Từ sớm tinh mơ, vợ chồng bà đã phải lên rẫy trỉa bắp, trồng khoai, trở về nhà khi trời tối mịt. Tranh thủ thời gian nông nhàn, vợ chồng bà Vinh nhận làm thêm công nhật, ai thuê gì làm nấy từ việc thu hoạch nông sản, đào hố cà phê đến phụ hồ để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Bà Vinh chăm sóc vườn keo của gia đình.

Khó khăn là vậy, nhưng với bản lĩnh thanh niên xung phong, quyết tâm dám nghĩ dám làm, vợ chồng bà Vinh bắt tay vào xây dựng kinh tế. Ban đầu bà "lấy ngắn nuôi dài", tập trung trồng hoa màu để xoay vòng vốn nhanh, từng bước quy hoạch mô hình kinh tế, đầu tư mua các loại máy móc phục vụ sản xuất lâu dài, bền vững. Sau khi tham quan học tập các mô hình trồng trọt hiệu quả ở nhiều nơi, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở xã Cư M'ta phù hợp với trồng cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, năm 2010 vợ chồng bà Vinh quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư trồng thử nghiệm hơn 2 ha cây keo và cà phê. Dưới tán rừng, bà tận dụng nuôi gà, nuôi bò sinh sản. Kinh tế gia đình bà từng bước đi lên. Đến nay, gia đình bà Vinh đã xây dựng được mô hình kinh tế đa cây, đa con với 4 ha rừng keo, 1 ha cà phê, 5 sào tiêu kết hợp chăn nuôi heo, gà, bò sinh sản; cho thu nhập ổn định từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Kinh tế ổn định, bà Lê Thị Vinh tích cực tham gia các phong trào của địa phương và các cấp hội phát động; sẵn sàng góp công, hiến của xây dựng nông thôn mới. Bà thường xuyên nhận đỡ đầu những người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vốn vay, cây, con giống, tận tình hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.