Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng tư duy “chấp nhận thất bại” trong khởi nghiệp

08:49, 28/08/2022

Cùng với cả nước, trong những năm gần đây, các hoạt động khởi nghiệp, nhất là trong giới trẻ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều khởi sắc.

Tỉnh đã thể hiện quyết tâm cao trong việc xây dựng môi trường thuận lợi nhằm tạo làn sóng khởi nghiệp cùng tinh thần doanh nhân mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ các bạn trẻ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đã được tỉnh quan tâm xây dựng, ban hành.

Điển hình như, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. Tỉnh còn chú trọng gắn kết hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng và phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk; tổ chức thành công Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp; phát động phong trào Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh…

1
(Ảnh minh họa: Anh Hoàng) 

Vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên luôn là nhu cầu tất yếu của xã hội và của chính bản thân mỗi người trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tại chương trình đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên với chủ đề “Thanh niên tỉnh Đắk Lắk khởi nghiệp, lập nghiệp” được tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, các bạn trẻ đã nêu nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề như: Hỗ trợ đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn, tìm việc làm, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên; hỗ trợ vốn; hỗ trợ chính sách để thanh niên phát triển kinh tế; hướng tiêu thụ, đầu ra các sản phẩm khởi nghiệp; những giải pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng rõ ràng hơn cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tạo điều kiện vay vốn cho thanh niên yếu thế, bị khuyết tật một cách thuận lợi…

Nhiều thanh niên cũng nêu ý kiến, đề xuất về đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ, nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp; có các chính sách khuyến khích, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nền tảng công nghệ, phát triển kênh thương mại điện tử; có chính sách hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp …

Qua đó cho thấy, không ít thanh niên muốn khởi nghiệp, đầu tư phát triển kinh tế nhưng lại thiếu vốn, trình độ năng lực hạn chế nên việc nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên chưa có ý thức tự lực, tự cường trong công việc, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại.

Điều đáng nói hơn cả là tư duy của các bạn trẻ về khởi nghiệp thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Muốn khởi nghiệp thành công cần phải có bước đi, cách làm phù hợp, bắt đầu từ nhỏ rồi mở rộng, hơn trên hết là biết mình sẽ làm gì và làm như thế nào. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ cho rằng, khởi nghiệp là phải mở công ty, doanh nghiệp, làm ông chủ, chứ chưa hiểu chỉ cần bắt đầu từ những việc đơn giản, do chính bản thân tạo dựng nên. Mặt khác, một bộ phận bạn trẻ lại không mạnh dạn, không chủ động, sợ không làm được nên tỏ ra e ngại. Trong khi đó, nói đến khởi nghiệp thì không phải ai cũng thành công ngay lần đầu nên người trẻ cần phải biết chấp nhận thất bại, biết rút kinh nghiệm để lần sau tốt hơn.

Ở đây, xin đưa ra con số thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Đắk Lắk có 670 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 9.579 tỷ đồng. Thế nhưng, toàn tỉnh cũng có đến 86 doanh nghiệp tự giải thể và 552 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Theo đánh giá, phần lớn những doanh nghiệp tự giải thể, tạm ngưng hoạt động là do có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch COVID-19, đầu ra sản phẩm bị đứt gãy, cộng thêm giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao làm tăng chi phí hoạt động và giá thành sản phẩm,nên không thể cạnh tranh.

Có thể nói, trong cơ chế thị trường hiện nay, việc thành lập một doanh nghiệp không khó, cái khó nhất là doanh nghiệp đó có thể tồn tại và phát triển được hay không. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp phải mở rộng quy mô, thay đổi công nghệ, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, tìm được các phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của địa phương thì mới hy vọng tồn tại và phát triển.

Vì vậy, vấn đề thông tin, tuyên truyền rất quan trọng, nhằm cung cấp những kiến thức, thông tin cho bạn trẻ biết xây dựng “văn hóa khởi nghiệp”, nhất là tư duy “chấp nhận thất bại”. Các bạn trẻ khởi nghiệp phải không sợ thất bại, dám đứng lên từ thất bại thì mới có thể thành công được. Cái chính và quan trọng nhất là mỗi bạn trẻ phải luôn phát huy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, thay đổi tư duy về khởi nghiệp, lựa chọn những mô hình khởi nghiệp phù hợp với điều kiện gia đình, bản thân.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.