Multimedia Đọc Báo in

Để tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột

07:54, 07/09/2022

Diễn đàn “Tạo sức bật cho du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trong tình hình mới” diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 6 vừa qua là một trong những cách giúp chính quyền địa phương tìm giải pháp thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này phát triển xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, đồng thời là “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam.

Theo thống kê của ngành chức năng, lượng du khách đến Buôn Ma Thuột hằng năm theo đường hàng không ngày càng tăng, nếu như năm 2015 đón khoảng 540.000 lượt người với tần suất bay từ  8 – 9 chuyến/ngày, thì đến nay con số này đã tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, xét về góc độ “Buôn Ma Thuột là điểm đến” như trong đề án phát triển du lịch của chính quyền địa phương đặt ra (giai đoạn 2022 – 2025) thì việc thu hút khách thông qua đường hàng không là chưa đáng kể vì nhiều lý do, trong đó đáng nói nhất là chi phí bỏ ra còn khá cao so với các phương tiện khác, vì thế du khách đến Buôn Ma Thuột phần lớn vẫn chọn phương tiện đường bộ là chủ yếu. Vậy làm thế nào để cởi bỏ những “nút thắt” quan trọng, giúp ngành “công nghiệp không khói” ở đây cải thiện hình ảnh trên bản đồ du lịch vùng Tây Nguyên cũng như cả nước.

Buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), điểm du lịch cộng đồng giàu bản sắc của Buôn Ma Thuột.

Việc đầu tiên là mở rộng cánh cửa thông thoáng cả đường không lẫn đường bộ để đón du khách vào Buôn Ma Thuột. Trao đổi tại diễn đàn nói trên, ông Nguyễn Qúy Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng Cục du lịch) cho rằng: Trên thực tế, việc đưa đón khách đến Buôn Ma Thuột vẫn còn nhiều bất cập, những nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp làm du lịch cần phải có tầm nhìn, đánh giá đúng mức để sớm hoàn thiện và có giải pháp khắc phục kịp thời trong lĩnh vực lữ hành để thu hút du khách đến đây thông qua các tuyến Quốc lộ 14, 26, 27 và 29. Phải nói rằng, công tác này trong thời gian qua chưa thật sự gắn kết, thậm chí thiếu chuyên nghiệp trong việc chủ động tìm kiếm, đưa đón du khách. Ví như trong các sự kiện lớn như Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Hội voi được tổ chức trong những năm qua, du khách từ các nơi đổ về Buôn Ma Thuột rất đông, khoảng 25.000 - 28.000 người/dịp thông qua công ty lữ hành Vietravel, còn các đơn vị lữ hành ở Đắk Lắk chưa thật sự chủ động nắm bắt cơ hội. Theo ông Phương, những lúc như thế, rất cần sự kết nối và điều phối của các công ty lữ hành đứng chân trên địa bàn. Song, để làm tốt hơn điều đó, cần có cơ chế, điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp giao thông - vận tải trên địa bàn tham gia vào việc đưa đón du khách đến Buôn Ma Thuột trong mọi không gian và thời điểm.

Diễn tấu cồng chiêng và múa hát dân gian của đồng bào Êđê (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi) là sản phẩm du lịch đặc thù ở TP. Buôn Ma Thuột.

Thứ đến là sản phẩm du lịch Buôn Ma Thuột cần phải được quy hoạch, xây dựng một cách bài bản, có chất lượng cao và khác biệt nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách. Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp (Tổng cục Du lịch) chia sẻ: Hầu hết sản phẩm tại những điểm, khu du lịch ở Buôn Ma Thuột đều chưa đáp ứng yêu cầu trên. Thế mạnh làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt ở đây là vốn văn hóa của người Êđê bản địa. Song, những tour homestay giúp du khách tìm hiểu, khám phá cuộc sống của người dân bản xứ dường như rất ít, nếu không nói là còn thiếu vắng. Trong khi đó loại hình du lịch này đang trở thành xu thế và đang được nhiều địa phương trên cả nước xây dựng, khai thác rất hiệu quả, tạo sự vượt trội đáng kể trong bước chuyển dịch cơ cấu nội tại của ngành kinh tế quan trọng này. Theo một số chuyên gia về du lịch, chỉ có bước chuyển dịch từ “bề rộng sang chiều sâu” của sản phẩm homestay mới tạo nên chuỗi giá trị gia tăng cho ngành “công nghiệp không khói” này một cách đáng kể. Giá trị ấy có thể định lượng và thấy rõ trước mắt là thời gian bình quân lưu trú của khách tăng lên, kéo theo các dịch vụ hỗ trợ khác phát triển, không những tạo thu nhập cho lực lượng tham gia hoạt động du lịch trực tiếp, mà còn tạo công ăn việc làm cho bộ phận cư dân trong vùng. Nói cách khác, đó là phép tính kinh tế: thời gian lưu trú + dịch vụ = doanh thu.

 
Làm du lịch ở Buôn Ma Thuột mà không đứng về cộng đồng sở hữu tài nguyên văn hóa - sinh thái vô giá đó thì không thể bền vững, thành công. Những ngôi nhà dài hàng trăm tuổi của người Êđê, gắn liền với bến nước, không khí sinh hoạt, lễ hội… không được gìn giữ và bảo tồn đúng nghĩa thì thử hỏi chất lượng du lịch ở vùng đất này còn gì?”
 
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp (Tổng cục Du lịch).

Xem ra bài toán trên chưa được nhà quản lý, cộng đồng làm du lịch ở Buôn Ma Thuột quan tâm và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu. Vì sao? Vấn đề này được đại diện các đơn vị làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk nói chung nhìn nhận: Phần vì họ quá đơn độc trong việc tìm kiếm, nhận dạng và xây dựng sản phẩm; phần vì thiếu mối liên kết, hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh cùng ngành, thành ra không thoát được tình trạng “mạnh ai nấy làm” như lâu nay. Hơn nữa, về mặt khách quan mà xét thì TP. Buôn Ma Thuột đang đối mặt với vấn nạn mất mác, mai một vốn văn hóa bản địa cả về vật thể lẫn phi vật thể.  Vì vậy, về phía doanh nghiệp dù có tâm huyết đến mấy cũng không thể biến các buôn làng trong phố, hoặc ven đô trở thành điểm đến phục vụ du lịch, do “lực bất tòng tâm”. Trong khi đó, về phía Nhà nước - mà trực tiếp là chính quyền thành phố chưa thật sự chú trọng kịp thời vấn đề quy hoạch, trùng tu và tôn tạo lại những giá trị văn hóa giàu bản sắc trong mỗi cộng đồng. Cùng góc nhìn này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia du lịch và cả cơ quan quản lý nhà nước đều mong rằng, cần có thái độ tôn trọng hơn nữa với vốn văn hóa bản địa, bởi đó là tài nguyên vô giá để Buôn Ma Thuột phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa - sinh thái ở vùng đất giàu tiềm năng này.

Rõ ràng, những ý kiến đóng góp và xây dựng trên cần phải được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để có định hướng sát thực, đúng đắn và kịp thời để ngành du lịch Buôn Ma Thuột phát triển như mong muốn.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc