Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I – năm 2022

06:27, 02/09/2022

Tối ngày 1/9, Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I – năm 2022, với chủ đề “Nâng tầm Sầu riêng Krông Pắc” đã chính thức khai mạc tại trung tâm thị trấn Phước An.

Tham dự có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kdăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Y Vinh Tơr, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; cùng đại diện lãnh đạo một số ban,  bộ, ngành Trung ương.

Về phía địa phương có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Y Giang Gry Niê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; cùng một số tỉnh bạn và hàng nghìn người dân, du khách về chung vui với Lễ hội.

ảnh
Ông Trần Hồng Tiến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy phát biểu khai mạc lễ hội.

Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I – năm 2022, diễn ra từ ngày 1 – 3/9. Trong khuôn khổ chương trình Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động phong phú diễn ra, gồm: Hội chợ trưng bày, triển lãm các sản phẩm trái cây, nông sản đặc trưng của huyện và một số địa phương lân cận; Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững; Ngày hội khởi nghiệp; Lễ hội đường phố; Liên hoan hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc; Tham quan khu di tích lịch sử đồn điền CADA; Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc… Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động văn hóa – quảng bá du lịch, du khách sẽ được thưởng thức sầu riêng miễn phí tại các vườn được bình chọn “Vườn Sầu riêng đẹp – thân thiện môi trường”; hoạt động biểu diễn bay treo khinh khí cầu phục vụ người dân và du khách tại Quảng trường khu vực hồ Tân An...

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng (bìa phải) trao Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tặng các cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ huyện Krông Pắc phát triển sản xuất sầu riêng.

Các hoạt động này nhằm quảng bá hình ảnh quê hương, con người, tiềm năng kinh tế huyện đến với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch; tôn vinh những giá trị kinh tế từ các loại cây đặc sản chất lượng cao, đặc biệt là sầu riêng; tạo cơ hội giao thương giữa người trồng, nhà sản xuất, chế biến sản phẩm từ trái cây và người tiêu dùng...

ảnh
Quang cảnh buổi khai mạc lễ hội.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Hồng Tiến - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: hàng chục năm qua, cùng với cây công nghiệp chủ lực là cà phê, nông dân huyện Krông Pắc đã không ngừng chuyển đổi giống cây trồng, tạo lập nhiều vùng trồng sầu riêng xen canh và chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, huyện Krông Pắc đã có gần 3.800 ha sầu riêng, trong đó đã có 2.600 ha cho thu hoạch. Năm 2022, với sản lượng khoảng gần 50.000 tấn, dự kiến thu về cho người nông dân khoảng 2.500 tỷ đồng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Sầu riêng Krông Pắc có hương vị đặc trưng, thơm ngon hơn so với nhiều vùng trồng sầu riêng trên cả nước nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Chính vì lẽ đó, tháng 3/2022 Cục Sỡ hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “ Sầu riêng Krông Pắc”. Đây là niềm vui, niềm tự hào đối với huyện và đây cũng là cơ hội để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm từ trái sầu riêng của địa phương.

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại buổi khai mạc lễ hội.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đề nghị: Để phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị gia tăng, nhất là đối với trái sầu riêng, huyện Krông Pắc cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu... Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của huyện Krông Pắc nói riêng và của tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Nhóm phóng viên

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.