Multimedia Đọc Báo in

Thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk vào hội

08:31, 01/09/2022

Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I - năm 2022 là lễ hội mang đậm dấu ấn của vùng trồng sầu riêng, từ các nông sản phục vụ lễ hội đến các hoạt động văn hóa – thể thao do chính người dân làm nên, hứa hẹn đem đến những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách khi đến Đắk Lắk.

Khám phá vùng đất sầu riêng

Với sự ưu đãi về đất đai, khí hậu, cây sầu riêng đã gắn bó với vùng đất Krông Pắc hơn 20 năm qua. Từ những hàng cây xen canh trong vườn cà phê đến nay, Krông Pắc đã có khoảng 3.800 ha sầu riêng, chủ yếu là Dona, Ri6... Mỗi độ thu về, Krông Pắc lại nhộn nhịp với hoạt động thu hoạch, mua bán, vận chuyển sầu riêng đến các vùng miền trên cả nước và xuất khẩu. Mùa thu năm nay, lần đầu tiên Krông Pắc tổ chức Lễ hội Sầu riêng (từ ngày 1 đến 3/9/2022) với nhiều hoạt động phong phú phục vụ du khách tìm hiểu, khám phá vùng đất, văn hóa, ẩm thực, con người và tìm kiếm cơ hội kết nối đầu tư tại địa phương như: hội chợ triển lãm trái cây và sản phẩm OCOP, biểu diễn khinh khí cầu, tham quan khu di tích đồn điền CADA, hội nghị xúc tiến đầu tư, ngày hội khởi nghiệp…

Vườn sầu riêng VietGAP của ông Lê Trung Hiệp ở thôn 19/8, xã Ea Yông.

Với chủ đề "Nâng tầm sầu riêng Krông Pắc", tại các vườn sầu riêng ở thôn 19/8, xã Ea Yông, du khách được tham quan, trải nghiệm vườn sầu riêng trĩu quả, có những quả sầu riêng chỉ ngang tầm tay với; cùng lắng nghe lão nông kể về hành trình gây dựng vườn cây, những nhọc nhằn, vất vả trong quá trình chằng quả, néo cành để giữ vườn mùa mưa bão, phập phồng lo mùa sầu ra hoa... Đặc biệt là du khách được thưởng thức sầu riêng tại vườn, dưới bóng mát của tán lá sầu riêng. Thưởng thức xong, muốn mua làm quà có thể chọn mua sầu riêng đông lạnh hoặc trái chín rụng chính hiệu VietGAP do các thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xanh Sầu riêng, Bơ Krông Pắc sản xuất.

Ngoài sự tham gia chính của chính quyền và nhân dân địa phương, Lễ hội Sầu riêng còn có sự góp mặt của đại diện các địa phương khác trong tỉnh thông qua các hoạt động mang tính giao lưu, văn hóa văn nghệ với mong muốn tạo sức lan tỏa cho lễ hội như: Ngày hội văn hóa các dân tộc, Lễ hội đường phố… Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, Lễ hội đường phố là một trong những sự kiện được công chúng chờ đón nhất và cũng góp phần tạo nên nét đặc trưng của Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I - năm 2022. Do đó, huyện đã chuẩn bị rất chu đáo nội dung này. Sự góp mặt của các địa phương trong tỉnh sẽ tạo nên sự kết nối văn hóa, khẳng định và tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Lễ hội đường phố diễn ra tại quảng trường Hồ Tân An. Ngoài đoàn xe của Ban tổ chức; các tổ chức sản xuất, kinh doanh sầu riêng cũng tham gia vào đoàn diễu hành để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Đặc biệt là các đoàn nghệ nhân cồng chiêng và dân ca, dân vũ, đoàn nghệ thuật quần chúng trong và ngoài huyện vừa đi bộ dọc tuyến đường trung tâm huyện vừa biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đường phố phục vụ đông đảo người dân và du khách. Lễ hội còn sẽ rất thú vị với sự xuất hiện của những chú voi đến từ huyện Lắk.

Trải nghiệm những nét văn hóa, ẩm thực các dân tộc

Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I - năm 2022 còn có các hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn của các dân tộc như Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc; Liên hoan hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc được diễn ra tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện. Các hoạt động này là sự kiện đáng trải nghiệm mùa lễ hội khi có sự góp mặt của nhiều nghệ nhân địa phương. Các nghệ nhân bước ra khỏi buôn làng để trình diễn nghề truyền thống của dân tộc mình trước hàng nghìn công chúng. Người dân, du khách sẽ hiểu thêm các sắc màu văn hóa qua nghề dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, hát dân ca của hơn 30 dân tộc trong tỉnh… Khi thưởng thức xong bữa tiệc âm nhạc, du khách sẽ được hòa mình vào sự náo nhiệt của Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc (ngày 3/9) ở môn nhảy bao bố nam, nữ; đẩy gậy nam, nữ…

Bay thử nghiệm khinh khí cầu vào sáng 30/8 tại Quảng trường trung tâm huyện Krông Pắc.

Ngoài ra, lễ hội còn có chương trình ẩm thực; mỗi xã, thị trấn tự nấu một mâm cơm, trong mâm cơm có 1 con heo quay phục vụ lễ hội. Ban tổ chức có nhiệm vụ quán triệt về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giám sát chặt chẽ an ninh trật tự và tổ chức các hoạt động đúng thể lệ đã đề ra, tạo sự công bằng, hồi hộp, hấp dẫn cho lễ hội.

Bà Phan Thị Phương Dung, người dân thị trấn Phước An tự hào, đây là lễ hội lớn nhất tại địa phương. Bà cùng với người dân thị trấn đã chỉnh trang khuôn viên vườn nhà, tích cực tham gia gìn giữ an ninh trật tự tại địa phương, bảo đảm vỉa hè đường phố thông thoáng, thuận tiện cho người dân và du khách. “Tôi rất thích hoạt động biểu diễn bay khinh khí cầu bởi nó đem đến cảm giác mới lạ. Cảm giác chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chiếc khinh khí cầu nhiều màu sắc bay lượn trên bầu trời quê hương thật tuyệt diệu” - bà Dung chia sẻ.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.