Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp chống ngập cho vùng trồng lúa ở hạ du hồ Krông Búk hạ

07:58, 29/09/2022

Là vùng trũng nằm ở hành lang thoát lũ của hồ Krông Búk hạ nên vào mùa mưa lũ, cánh đồng của thôn 9 và thôn 11, xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) thường bị ngập trắng xóa do nước từ suối tràn vào. Năm nay, lũ về trúng thời điểm lúa vụ hè thu bắt đầu cho thu hoạch khiến người dân trở tay không kịp.

Trong hai ngày nay, người dân tại hai thôn 9 và thôn 11 của xã Ea Kly, huyện Krông Pắc tất bật thu hoạch hàng trăm héc-ta lúa bị nhấn chìm trong nước. Những cánh đồng chín hơn 60 – 80% chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch nhưng mưa lớn trong những ngày qua khiến nước ở các con suối dâng cao tràn vào cánh đồng buộc người dân phải gặt lúa chạy lũ, vì trong trường hợp hồ Krông Búk hạ vận hành điều tiết nước thì sẽ mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Mừng (thôn 9, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) dùng ghe đẩy từng bó lúa vào bờ.

Bà Nguyễn Thị Mừng (70 tuổi, ở thôn 9) có hơn 1,2 ha lúa còn khoảng một tuần nữa thu hoạch nhưng nước lũ tràn về ngập chỉ còn phần bông. Vì không thể gặt bằng máy, bà Mừng phải thuê hơn 10 công khẩn trương thu hoạch bằng tay để giảm thiểu thiệt hại, nhất là trong trường hợp có mưa lớn, hồ Krông Búk hạ vận hành điều tiết nước thì cánh đồng sẽ bị ngập trắng và không thu hoạch được. Do phải gặt sớm nên năng suất lúa chỉ bằng 50 – 60% năm ngoái. “Năm nay thời tiết không thuận lợi, cánh đồng bị ngập nhiều lần từ đầu vụ, gia đình đã sạ đến lần thứ 4 mới được. Trước mắt là gặt lên bờ đã, còn lại xử lý sau. Chỉ hy vọng trời không mưa để thời gian xả lũ của hồ sẽ dời lại đợi bà con thu hoạch xong”, bà Mừng nói.

Cũng có diện tích ruộng nằm ở cánh đồng này nhưng gia đình chị Đào Thị Lới vẫn chưa thể thu hoạch lúa vì chân ruộng ở xa không có đường vận chuyển lúa vào bờ, phải chờ các hộ gần bờ gặt xong. Chị Lới cho biết, hai ngày qua, chị lo phụ giúp gặt cho những hộ có ruộng xung quanh để chờ đến lượt gặt ruộng mình. Ở vùng này trũng nên bà con hay tranh thủ sạ sớm để tránh bị ngập, như mọi năm thì đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, do mưa từ đầu vụ gây ngập liên tục, bà con phải sạ đi sạ lại 3 - 4 đợt, kéo theo thời gian thu hoạch trùng với thời kỳ mưa bão gây thiệt hại mùa màng cho nông dân.

Người dân dầm mình trong nước khẩn trương gặt lúa.
 
Hiện nay Chi nhánh thủy lợi huyện Krông Pắc đã tạm thời lùi lại thời gian xả lũ so với thông báo trước đây (là vào 14 giờ ngày 28/9) để bà con kịp gặt lúa. Xã cũng đã báo cáo và đề xuất với huyện để có giải pháp về lâu dài, giúp người dân vùng hạ du yên tâm sản xuất”.
 
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kly

Diện tích lúa vụ hè thu ở khu vực này khoảng 500 ha, hiện có khoảng 100 ha bị ngập sâu trong nước; hơn 100 ha bị ngập đến 70% thân lúa, năng suất giảm 20 – 25%. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kly cho biết, đây là vùng trũng nằm ở khu vực hạ lưu của hồ Krông Búk hạ, hằng năm khu vực này chịu ảnh hưởng của nguồn nước xả lũ từ hồ này cũng như các suối đổ về. Trước tình hình đó, địa phương cũng đã chỉ đạo các thôn, buôn cũng như các lực lượng bám sát địa bàn để phân bổ lực lượng hỗ trợ người dân. Đặc biệt hiện nay, hầu hết diện tích lúa đã bắt đầu bước vào thu hoạch, xã đã triển khai cấp bách cho người dân khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Xã cũng đã huy động khoảng 10 máy gặt đập để hỗ trợ người dân. Đối với những chân ruộng bị ngập mà vẫn còn gặt được thì huy động bà con trong vùng cùng giúp nhau thu hoạch nhanh các diện tích lúa. “May mắn là cơn bão số 4 tan nhanh, không gây mưa trên địa bàn nên hồ Krông Búk hạ cũng tạm thời chưa xả lũ, đợi bà con thu hoạch xong. Đêm 27/9, máy móc và nhân công đã tập trung gặt cả đêm để giúp dân thu hoạch kịp thời nên đến chiều 28/9 cơ bản đã xong”, ông Quang cho hay.

Được biết, vùng hạ du của hồ Krông Búk hạ có diện tích 1.000 ha nằm ở hai xã Ea Kly và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc). Vùng này nằm dọc các con suối, tuy nhiên do bà con canh tác lấn dần ra hành lang suối, cộng với sự bồi lắng lâu năm không được nạo vét khiến dòng chảy hẹp dần. Khi vận hành điều tiết hồ gây ngập vùng này rất nhanh, khoảng 100 ha.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi, đây là hành lang thoát lũ của hồ, được thiết kế để thoát lũ cho hồ Krông Búk hạ. Tuy nhiên do người dân thấy diện tích này có thể tận dụng để sản xuất nên đã cải tạo để trồng lúa dẫn đến co hẹp dòng chảy. Đây không phải là hành lang an toàn của hồ nên việc sản xuất ở khu vực này không vi phạm nhưng ảnh hưởng đến việc thoát lũ của hồ.

Trước tình hình trên, theo quan điểm của công ty, nếu còn bảo vệ được thì vẫn phải bảo vệ tài sản của người dân. Đến mùa lũ, khả năng ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình thì buộc hồ phải xả lũ theo thiết kế. Lúc đó, công ty sẽ có thông báo cho chính quyền địa phương và người dân biết (trước 3 ngày) để họ khẩn trương thu hoạch vụ mùa (nếu có sản xuất). Tuy nhiên, về lâu dài thì chính quyền địa phương cần tăng cường sự quản lý và tuyên truyền cho người dân hiểu. Khuyến cáo người dân gieo sạ sớm, tránh thời điểm mưa lũ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.