Dân di cư tự do - câu chuyện bao giờ chấm dứt? (kỳ 3)
Kỳ cuối: Để không ai bị bỏ lại phía sau
Giải quyết vấn đề di dân tự do ở tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương khác không chỉ phải đúng pháp luật, mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành. Mục đích cuối cùng là làm sao người dân di cư tự do có cuộc sống ổn định, phát triển và phúc lợi xã hội được bảo đảm.
Phải khẳng định rằng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện kinh tế hiện nay, ngân sách của Trung ương nói chung cũng như địa phương nói riêng, để chính sách này đến được tất cả người dân thuộc đối tượng này, nhất là dân di cư tự do ngoài kế hoạch thì không phải là chuyện một sớm một chiều.
Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân di cư tự do (khoảng 24.800 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng và sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, bảo đảm ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.
Một hộ dân di cư tự do ở buôn Đắk Sa, xã Đắk Nuê, huyện Lắk. |
Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp bố trí ổn định dân cư, đặc biệt là giải pháp về an sinh xã hội nhằm ổn định đời sống của người dân; tập trung các nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác bố trí dân cư, hỗ trợ phát triển sản xuất bền vững, ổn định đời sống lâu dài cho người dân di cư tự do. Trước mắt, tập trung nguồn lực để xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc và bố trí, sắp xếp các hộ di cư tự do đang sống phân tán tại các địa phương vào những điểm dân cư theo quy hoạch. Rà soát tổng thể cơ chế, chính sách về bố trí dân cư, dân tộc, đặc biệt là chính sách cho các hộ dân di cư tự do là đồng bào thiểu số, hộ nghèo để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp, đặc biệt là quy định về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích rừng nghèo kiệt phân bố manh mún trong vùng quy hoạch bố trí di cư tự do nhằm tạo thêm quỹ đất để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư. Ngoài ra, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước hằng năm và dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do giai đoạn 2021 – 2025 và huy động nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào vùng bố trí dân di cư tự do để hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.
“Chúng ta không khuyến khích đồng bào di dân tự do nhưng bà con đã đi rồi, đã đến đây rồi thì phải bảo đảm cuộc sống cho họ và không để đồng bào di cư tự do bị bỏ lại phía sau” - nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Theo Chủ tịch UBND huyện Lắk Nay Y Phú, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến chính sách dân tộc. Đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, trong đó có dân di cư tự do đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề được bà con quan tâm nhất hiện nay là việc cấp hộ khẩu, căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Huyện kiến nghị cấp trên quan tâm hơn nữa và có những cơ chế, chính sách để giải quyết vấn đề này.
Khó khăn của huyện Lắk cũng có thể xem là khó khăn chung của các địa phương tiếp nhận dân di cư tự do hiện nay. Tại tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, việc quy hoạch khu dân cư đã hình thành các điểm, vùng bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tương đối tập trung trên cơ sở phân bổ, bố trí các điểm dân cư theo đúng quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giúp người dân yên tâm định cư trên vùng đất mới, tạo điều kiện cho địa phương quản lý được dân cư, hạn chế việc phá rừng. Những năm gần đây, tình hình dân di cư tự do đã giảm, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, giải quyết tình trạng di cư tự do trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, người dân di cư ngoài kế hoạch vẫn tiếp tục đến vùng dự án, làm tăng quy mô, phá vỡ quy hoạch dự án, tăng nguy cơ phá rừng, lấn chiếm đất rừng; việc di dời các hộ dân xâm canh, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vào vùng dự án rất khó khăn vì người dân đã ổn định từ lâu. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các vùng dự án còn cao, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế. Đặc biệt, diện tích đất trong vùng dự án sắp xếp ổn định dân cư chủ yếu là đất lâm nghiệp không còn rừng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được phân định cụ thể do bị xâm lấn, xâm chiếm. Ngoài ra, việc rà soát diện tích xâm canh, lấn chiếm của người dân di cư tự do còn rất khó khăn, một số hộ thiếu hợp tác.
Điểm trường buôn Lách Ló, Trường Mầm non Hoa Hướng Dương (huyện Lắk). |
Tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Trung ương giải pháp để giải quyết những vướng mắc trên. Theo đó, tỉnh đề nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do đến khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tỉnh chuyển mục đích sử dụng diện tích đất rừng không còn rừng mà hiện nay người dân đang cư trú sang mục đích khác không phải đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp không có rừng trên địa bàn tỉnh lớn (khoảng 136.690 ha), vị trí các khu đất chủ yếu thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại rất khó khăn, việc kiểm tra, rà soát tổng thể gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và kinh phí để thực hiện. Do đó, đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để đo đạc, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do, tỉnh đã rà soát và xác định khoảng 10.395 ha đất, chủ yếu là diện tích đất lâm nghiệp không còn rừng thu hồi của các lâm trường, công ty lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý cần chuyển mục đích sử dụng để phục vụ nhu cầu nêu trên.
Minh Thông – Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc