Multimedia Đọc Báo in

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia

20:53, 18/10/2022

Chiều 18/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) với 63 tỉnh, thành phố về kết quả thực hiện các chương trình MTQG 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022.

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh và thành viên Ban chỉ đạo các chương trình MTQG của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 gồm 3 chương trình: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững. Đến thời điểm này, 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh; 27/63 địa phương có quy định về thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện; 13/63 địa phương hoàn thành việc kiện toàn, thành lập các ban quản lý cấp xã.

Tính đến hết tháng 9/2022, vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 còn lại của 3 chương trình MTQG chưa phân bổ, giao kế hoạch là trên 99,8 nghìn tỷ đồng, gồm: trên 7,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, gần 92 nghìn tỷ đồng vốn sự nghiệp.

Về tình hình triển khai phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn ngân sách nhà nước tại các địa phương, đến nay đã có 52/52 địa phương (được giao vốn ngân sách Trung ương) đã có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình MTQG cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.

Tính đến 30/9/2022, các địa phương giải ngân được hơn 926 tỷ đồng, đạt khoảng 3,86% kế hoạch. Đồng thời, có 46/63 địa phương đã cân đối ngân sách, bố trí trên 13,8 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương thực hiện các chương trình MTQG.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Riêng tỉnh Đắk Lắk, tổng vốn ngân sách Trung ương và tỉnh đã phân bổ thực hiện 3 chương trình MTQG năm 2022 là trên 1,4 nghìn tỷ đồng (gồm: vốn đầu tư trên 1 nghìn tỷ đồng; vốn sự nghiệp 326,5 tỷ đồng). Kết quả giải ngân tính đến 17/10, cụ thể: vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương hơn 124 tỷ đồng, đạt 16,1% kế hoạch; vốn đầu tư phát triển ngân sách tỉnh trên 86,3 tỷ đồng, đạt 28,12% kế hoạch; vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương hơn 184 triệu đồng, bằng 0,065% kế hoạch; vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh đối ứng chưa giải ngân.

Tại hội nghị, đại biểu ở các địa phương và bộ, ngành Trung ương đã trao đổi, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG, như: việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để tổ chức thực hiện các chương trình MTQG còn chậm so với tiến độ; việc chậm giao kế hoạch vốn năm 2022 khiến các địa phương khó hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn trước 31/12/2022 và đề nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Chính phủ đặt mục tiêu rất cao trong giải ngân vốn các chương trình MTQG, tuy nhiên mức giải ngân đạt thấp, chưa đến 50%. Hiện nay chỉ còn có 3 tháng nữa là kết thúc năm 2022 nên phải có sự quyết liệt chỉ đạo từ các địa phương.

Từ nay đến cuối năm vẫn phải cố gắng giải ngân, không chờ đến sang năm. Phó Thủ thướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ liên quan hoàn thành 5 văn bản còn nợ, còn thiếu; các tỉnh nêu những vấn đề khó khăn về giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đến đại biểu Quốc hội của tỉnh mình để đại biểu phản ánh lên Quốc hội trong kỳ họp vào cuối năm; lãnh đạo của các tỉnh phải quyết liệt hơn nữa trong điều hành chỉ đạo; các bộ, ngành cũng quyết liệt triển khai những dự án do mình quản lý để thực hiện đúng tiến độ giải ngân…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.