Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ pháp lý - sự trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

08:05, 06/10/2022

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường, từng bước thích nghi và tận dụng sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin để phát triển.

Quá trình này đòi hỏi mỗi doanh nhân, doanh nghiệp (DN) phải trang bị cho mình những kiến thức pháp lý chắc chắn để bảo vệ chính bản thân và DN của mình.

Cần lắm những "tấm áo giáp" pháp lý

Hiện nay, Đắk Lắk là tỉnh có số lượng DN đang hoạt động xếp thứ 22 cả nước và thứ hai trong khu vực Tây Nguyên, với hơn 11.510 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó trên 98% là DNNVV, DN siêu nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 47.116 hộ kinh doanh đang hoạt động. Với quy mô này, năng lực quản trị, năng lực sản xuất, năng lực pháp lý của các DNNVV thấp, đồng nghĩa với đó là năng lực cạnh tranh thấp. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN này không thể thiếu việc nâng cao năng lực pháp lý. Đối với các DN lớn, vấn đề pháp lý đã quan trọng, đối với các DNNVV, vấn đề này lại càng quan trọng.

Ông Nguyễn Nguyệt Phương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, việc nắm bắt các thông tin pháp luật đối với DN là rất quan trọng, DN muốn đưa các sản phẩm của mình ra thị trường thì thông tin pháp luật là “cây gậy vững chắc” để bảo toàn sự tồn tại và phát triển của DN. Hiện nay, hầu hết các DNNVV trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu được tiếp cận thông tin pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và tư vấn, giải đáp pháp luật. Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DN là cấp bách.

Sản phẩm chuối xuất khẩu của Công ty Cổ phần KD Green Farm (buôn Kré, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc).

Theo luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết nhằm giúp DN thực hành việc tuân thủ pháp luật, và đặc biệt là phòng ngừa rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, trong các quan hệ giao thương.

 

Để công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp và bảo đảm hiệu quả, Sở Tư pháp đã kiến nghị Bộ Tư pháp ban hành quy định cụ thể về các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN đối với từng bộ, ngành và địa phương để làm căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý theo đúng quy định; đổi mới việc cung cấp thông tin và thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho mạng lưới tư vấn pháp luật cấp tỉnh, đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.

Ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù nhận thức của DN, đặc biệt là DNNVV về vấn đề pháp lý đã ngày càng được nâng cao, tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý trên thực tiễn vẫn còn hạn chế do chưa có kinh phí để thực hiện. Do đó, nhu cầu được hỗ trợ về mặt pháp lý của DN nước ta tương đối cao, hơn 56% DN được khảo sát quan tâm đến hoạt động hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý. Mặt khác, nhiều DN còn thờ ơ trong công tác xây dựng pháp lý, thiếu nhiệt tình trong quan tâm, góp ý xây dựng các luật, chính sách cho DN…

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DN, trong thời gian qua UBND tỉnh đã rất coi trọng công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV để đồng hành cùng DN trên địa bàn tỉnh. Bà Châu Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết, với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong hoạt động quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho DN với nhiều hoạt động cụ thể và dần trở thành người bạn đồng hành cùng DN. Để công tác hỗ trợ pháp lý cho DN được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, đề án nhằm tập trung triển khai xây dựng, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp cũng đã cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nhà nước, tổ chức, DN, cá nhân trong việc tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu và thực thi pháp luật. Đồng thời Sở đã tham mưu mở chuyên mục để đăng tải các văn bản về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý lên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (http://pbgdpl.daklak.gov.vn).

Hoạt động chế biến cà phê của Công ty TNHH MTV Minudo Farm Care (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thuận

Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hằng năm Sở Tư pháp đều tổ chức hội nghị tập huấn về công tác pháp chế, báo cáo viên pháp luật, hỗ trợ pháp lý, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế cho DNNVV nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN. Ngoài ra, các sở, ngành của tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ pháp lý cho DN, như: tổ chức đối thoại trực tiếp, giải đáp bằng văn bản, thông qua tập huấn với DN trong các lĩnh vực thuế, kế hoạch và đầu tư; duy trì mô hình “Cà phê với doanh nhân” 2 lần/tháng giữa lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành với các DN trên địa bàn tỉnh.

Theo TS. Trần Minh Sơn, thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 (Bộ Tư pháp), hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN nói chung, đặc biệt là DNNVV nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh”. Đồng thời, Văn kiện cũng đã xác định trọng tâm và các định hướng của công tác hỗ trợ DN nói chung, trong đó có hỗ trợ pháp lý cho DN, trong giai đoạn 2021 - 2030, gồm: Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của DN; hỗ trợ DN các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của DN; hoạt động hỗ trợ DN theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.