Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Vẫn còn nhiều "nút thắt"

06:39, 05/10/2022

Sau gần 3 năm thực hiện Quyết định 885/QĐ-TTg, ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa đạt như kỳ vọng vì còn nhiều "nút thắt" chưa được tháo gỡ.
 

Dư địa còn nhiều

Theo Bộ NN-PTNT, hiện diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới… Đặc biệt, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai mạnh mẽ, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, nhận thức và sự quan tâm của xã hội, người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng được nâng lên.

Công nhân thu hoạch rau ở Trang trại hữu cơ Hạnh Nhân (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột)

Tại Đắk Lắk, nông nghiệp hữu cơ là một trong những xu hướng phát triển được ngành nông nghiệp quan tâm. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân đã và đang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận, với khoảng trên 300 ha. Sản xuất nông nghiệp ở Đắk Lắk rất đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó các cây trồng đang có xu hướng chuyển sang nông nghiệp hữu cơ khá mạnh, gồm: cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, gạo, rau… Tiêu biểu như: Trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận quốc tế của Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống Đắk Lắk, với diện tích 230 ha; Công ty TNHH NicoNico Yasai, với thương hiệu “Rau cười Việt Nhật” cung cấp các sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản… Tuy nhiên, diện tích và sản lượng các loại nông sản hữu cơ vẫn còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn so với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (655.985 ha).

 

Mục tiêu của Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, phấn đấu đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3 % tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Trong đó, ưu tiên sử dụng các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất hữu cơ; hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị...

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” (do Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 28/9), mặc dù nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhiều "nút thắt", như: khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm hữu cơ; khó khăn về mặt chính sách; điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên diện rộng còn hạn chế; khái niệm nông nghiệp hữu cơ được định nghĩa chưa đúng… nhưng dư địa phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhiều do sự thay đổi của hành vi người tiêu dùng. Đặc biệt, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đang tăng nhanh; thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Thị trường này vẫn chủ yếu là rau quả hữu cơ, trong đó trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị chiếm tỷ lệ chính. Những nông sản này đều là những mặt hàng xuất khẩu chính, có lợi thế của Việt Nam. Vì vậy, để biến khó khăn thành tiềm năng, thách thức thành cơ hội đòi hỏi cần có một sự đầu tư bài bản ngay từ ban đầu và hình thành một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, thực phẩm minh bạch của nông nghiệp hữu cơ.

Cần tháo "nút thắt" về niềm tin của người tiêu dùng

Có một nghịch lý trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, an toàn tại Việt Nam là người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm hữu cơ, nhưng không biết mua ở đâu. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay quy mô còn rất nhỏ, nhưng vẫn khó tìm thị trường đầu ra.

Theo lý giải của các chuyên gia thì nguyên nhân là do quy trình sản xuất khắt khe nên chi phí khi sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ rất cao, dẫn đến giá bán sản phẩm hữu cơ luôn cao. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ nên họ thường chọn mua sản phẩm ở các kênh phân phối như siêu thị, chuỗi cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, không ít các nhà phân phối, kinh doanh không đáp ứng được kỳ vọng, niềm tin của người tiêu dùng, đã dẫn đến việc họ mất niềm tin, hoài nghi vào những sản phẩm có dán nhãn mác hữu cơ.

Nhà kính trồng cà chua nova của Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm.  

Chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến”, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho rằng: để phát triển thị trường hữu cơ tại Việt Nam, việc xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng là rất cần thiết. Điều này cần cả quá trình, với sự nỗ lực từ nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và đến chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa “hữu cơ”. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc "6 không": không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gen; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước. Cơ hội cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất rộng mở, do đó cần giao sự giám sát cho xã hội để xây dựng niềm tin cho khách hàng. Ngoài ra, công tác truyền thông, thông tin sát thực, kiên trì để mọi người phân biệt được trước nhất là sản phẩm an toàn, sạch và hữu cơ khác nhau thế nào...

Bộ NN-PTNT cho rằng, sản xuất hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp thế giới cũng như Việt Nam. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là một sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang nhiều giá trị, trong đó có giá trị tái tạo môi trường, trách nhiệm bảo vệ con người (người sản xuất, người phân phối, người tiêu dùng) và trách nhiệm chung với tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp.

Với việc xây dựng và triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 đánh dấu lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra kế hoạch cụ thể hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, có trách nhiệm như chúng ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Do đó, cần phải cùng nhận thức làm đúng về mặt sản xuất, tiêu dùng, chia sẻ thông tin; cần truyền thông minh bạch, rõ ràng, trách nhiệm; hoàn thiện chuỗi nông sản hữu cơ và chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng, mô hình, thị trường; đầu vào và đầu ra phải minh bạch (phân bón, lưu thông, nhãn mác...).

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.