Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea Kuêh giúp nhau phát triển kinh tế

08:14, 03/10/2022

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) có 1.029 hội viên tham gia sinh hoạt ở 11 chi hội thôn, buôn; trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 65%.

Là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên thời gian qua, Hội LHPN xã đã định hướng cho các chi hội thôn, buôn gây dựng và duy trì các nguồn vốn xoay vòng để hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kuêh cho biết, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn toàn xã đã phát triển được 5 tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn tại 5 chi hội thôn, buôn với số vốn trên 550 triệu đồng. Trong đó, hoạt động hiệu quả nhất hiện nay là Chi hội thôn Thác Đá với số vốn trên 450 triệu đồng. Nguồn quỹ tiết kiệm này rất hiệu quả, đã trực tiếp hỗ trợ cho chị em có vốn vay luân chuyển trong sản xuất, đầu tư vào chăn nuôi dê, bò, heo và cải tạo vườn cà phê, cải thiện kinh tế cho gia đình.

Chị Bùi Thị Thủy (phía ngoài) đang chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi dê của gia đình

Đơn cử như chị Bùi Thị Thủy (ở thôn Thác Đá), khi tham gia mô hình Tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn của thôn đã được Chi hội cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua được 6 con dê giống Boer về nuôi. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi của Hội LHPN xã nên việc chăn nuôi của gia đình chị Thủy rất thuận lợi, đàn dê phát triển nhanh. Hiện nay đàn dê của gia đình chị đã lên đến 23 con, trong đó có 14 con dê mẹ. Vừa chăm sóc 1 ha cà phê xen hồ tiêu kết hợp với việc chăn nuôi dê nên kinh tế gia đình chị Thủy hiện nay đã ổn định hơn.

Tương tự, chị Đặng Thị Thúy Sơn (ở thôn Thác Đá) cũng được vay 50 triệu đồng từ mô hình Tổ tiết kiệm xoay vòng vốn của Chi hội phụ nữ thôn để đầu tư chăn nuôi dê. Từ 7 con dê giống ban đầu thì đến nay đàn dê của gia đình chị Sơn đã phát triển thành 20 con. Vừa qua chị đã bán được 6 con dê thương phẩm lứa đầu tiên và thu về số tiền 18 triệu đồng.

Chị Đặng Thị Thúy Sơn (bên ngoài) chăm sóc đàn dê.

Chị Nguyễn Thị Nga thông tin, hiện nay Hội LHPN xã Ea Kuêh tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em ở các chi hội còn lại mạnh dạn xây dựng mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm xoay vòng vốn, nhất là các chi hội đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó phát huy nội lực của hội viên phụ nữ, hình thành thói quen tiết kiệm để hỗ trợ, giúp nhau vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời mô hình này còn góp phần hạn chế tình trạng "tín dụng đen" trên địa bàn.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.