Khởi sắc du lịch đầu xuân
Với tiềm năng du lịch vốn có, thêm thời tiết mát mẻ, cùng với sự chuẩn bị chu đáo, dịp Tết Nguyên đán năm 2023, Đắk Lắk thu hút một lượng lớn khách đến tham quan, trải nghiệm.
Lượng du khách tăng mạnh
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách đến Đắk Lắk du xuân, tham quan, trải nghiệm từ ngày 21 đến 26/1 (tức ngày 30 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết) ước đạt 130.000 lượt người, tăng hơn 9%; tổng doanh thu từ du lịch trong dịp này ước đạt 14 tỷ đồng, tăng 51,4 % so với Tết Nhâm Dần 2022; trong đó, khách quốc tế ước đón 350 lượt người, tăng 61,29%. Có thể nói đây là một bước khởi đầu mạnh mẽ cho ngành du lịch địa phương trong năm mới.
Du khách trải nghiệm tại cụm thác Dray Nur - Gia Long (huyện Krông Ana) vào dịp đầu năm mới. |
Tại TP. Buôn Ma Thuột, các điểm vui chơi giải trí, du lịch những ngày xuân luôn nườm nượp du khách. Phố bích họa trên đường Phan Đình Giót (phường Tân Thành), với những hình ảnh đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên đã thu hút khá đông người dân, du khách đến tham quan và chụp ảnh. Anh Hoàng Minh (du khách đến từ Đồng Tháp) cho hay: “Tôi khá ấn tượng với con đường này, ngoài những bức tranh thể hiện bản sắc của Tây Nguyên, của Đắk Lắk thì còn có hai hàng cây xanh mát rất đẹp và cổ kính. Ở đây tôi còn được ngắm Bảo tàng Đắk Lắk với thiết kế độc đáo…”.
Các điểm du lịch như buôn Ako Dhông (phường Tân Lợi), đường hoa Nguyễn Tất Thành, Bảo tàng Thế giới Cà phê… cũng thu hút nhiều khách đến tham quan.
Ngoài các điểm vui chơi, giải trí tại ngay trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đi xa hơn, tìm đến các điểm du lịch ở ngoại thành, tuyến huyện để tận hưởng không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên. Lượng khách đến các nơi này cũng cao hơn so với những năm trước, như Khu Du lịch sinh thái Troh Bư (Buôn Đôn) trung bình hơn 2.000 lượt khách/ngày; cụm thác Dray Nur – Gia Long (huyện Krông Ana) đón khoảng 5.000 lượt/ngày…
Bạn Hoàng Đăng Trình (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi có người thân ở TP. Buôn Ma Thuột nên sau khi thăm họ hàng, tôi và bạn bè tìm đến những nơi xa hơn để du xuân, nhất là những nơi có sông nước, cỏ cây. Qua tìm hiểu, tôi chọn đi thác Dray Nur vì không quá xa, có sẵn các dịch vụ ăn uống và có thác nước khá đẹp”.
Chuẩn bị đón khách chu đáo
Kết quả nói trên cho thấy sự nỗ lực chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của ngành du lịch tỉnh nhà.
Từ những ngày cuối năm 2022, ngành du lịch Đắk Lắk đã tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tham gia các hội chợ, hội thảo du lịch tại nhiều địa phương trên cả nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh khảo sát, xây dựng tuyến điểm mới, giới thiệu tiềm năng du lịch Đắk Lắk đến đông đảo du khách.
Các em nhỏ tham gia trải nghiệm viết thư pháp tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột nhân dịp Tết Nguyên đán Quỹ Mão 2023. Ảnh: T.Tuấn |
Ngay mùng Một Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình đón những du khách đầu tiên đến với Đắk Lắk nhân dịp năm mới. Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay: Tỉnh tổ chức chào đón đoàn khách đầu tiên đến tham quan du lịch với thông điệp “Đắk Lắk - Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên”. Hoạt động này nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk ngày một nhiều hơn, tiếp tục khẳng định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Đắk Lắk.
Tại chương trình, các du khách đã được chào đón bằng tiết mục diễn tấu cồng chiêng và múa, thể hiện tình cảm nồng nhiệt, mến khách của ngành du lịch Đắk Lắk.
Chị Lưu Minh Lan (Hà Nội), một trong những vị khách đầu tiên đến Đắk Lắk trong năm Quý Mão 2023 tâm tình: “Tôi rất bất ngờ và xúc động vì sáng mùng Một Tết, vừa xuống sân bay đã có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng các đơn vị liên quan ra tận sân bay đón đoàn, tặng quà. Tôi đã nhiều lần đến du lịch ở Đắk Lắk, mỗi lần đến đều thấy vùng đất này thay đổi và phát triển nhanh chóng. Thời tiết, khí hậu ở đây lại mát mẻ, thành phố có nhiều cây xanh, con người hiền lành, chất phác, thân thiện, mến khách. Đặc biệt Đắk Lắk có nền văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa hết sức phong phú, đa dạng và đặc sắc”.
Các đơn vị kinh doanh, điểm du lịch cũng đã nỗ lực cho ra mắt những sản phẩm mới, làm mới những sản phẩm đã có để tạo cho du khách những sự thích thú và phấn khởi mới như: đồng loạt tổ chức nhiều chương trình vui xuân, đón Tết tái hiện bức tranh mùa xuân mang đậm nét Tây Nguyên; trang trí nhiều tiểu cảnh chủ đề linh vật năm Mèo và hoa, cảnh ngày Tết…
Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức các hoạt động văn hóa, tặng chữ, nặn tò he; Bảo tàng Thế giới Cà phê tổ chức các chương trình trình diễn như Lễ cầu thần lửa và tạ ơn thần lửa của người Êđê Bih, mời du khách thưởng thức vị cà đắng giã với cá hấp đầy thú vị; các khu du lịch còn tổ chức các tiết mục múa đậm sắc xuân, lì xì may mắn…
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành du lịch, cộng thêm khí hậu mát mẻ đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân và du khách du xuân, trải nghiệm. Hầu hết các du khách, người dân du xuân đều yêu thích và dành tình cảm cho Đắk Lắk. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch tỉnh nhà, báo hiệu một năm mới sẽ có nhiều khởi sắc.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc