Phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế
Năm 2022, vượt qua những biến động của thị trường thế giới, nông nghiệp Đắk Lắk tiếp tục khẳng định sứ mệnh “trụ đỡ” của nền kinh tế với những kỷ lục mới về xuất khẩu các loại nông sản.
Nhiều nông sản vươn ra “biển lớn”
Khép lại một năm sau đại dịch, ngành nông nghiệp đạt được những kết quả nổi bật, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2022 vẫn duy trì phát triển và đạt kết quả tốt, với giá trị tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp - thủy sản đạt 21.217 tỷ đồng, bằng 103,8% kế hoạch và tăng 5,66% so với năm 2021, cao gấp 1,8 lần so với bình quân chung cả nước; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Chọn lựa, sơ chế để chế biến cà phê đặc sản ở Công ty TNHH MTV MINUDO Farm-Care (TP. Buôn Ma Thuột). |
Kết quả nổi bật nhất của ngành nông nghiệp trong năm 2022 là các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều… Ngoài ra cũng có một số mặt hàng mới xuất khẩu, như: sầu riêng, mắc ca sấy, ca cao, trái cây cấp đông, trái cây sấy dẻo…, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh, với 1.300/1.500 triệu USD, đạt 125% kế hoạch năm, tăng 30,4% so với năm 2021. Trong đó, cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm 40 - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, với sản lượng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay gần 395.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt trên 819 triệu USD, tăng hơn 227 triệu USD so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 21% so với cả nước.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2022, Việt Nam đã thâm nhập rất nhiều thị trường khó tính với nông sản để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Điều này không những tạo thuận lợi rất lớn cho các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk, nhất là mặt hàng trái cây mà còn chứng minh được rằng, chất lượng nông sản Đắk Lắk có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe ở những thị trường khó tính nhất.
Thu hoạch trái mắc ca phục vụ xuất khẩu của Công ty Cổ phần DAMACA Nguyên Phương. |
Riêng đối với mặt hàng cà phê, có nhiều yếu tố để đạt được con số xuất khẩu cao nhất trong những năm qua. Đó là các giải pháp trong thực hiện Đề án tái canh cà phê, Đề án phát triển cà phê bền vững đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng để tăng năng suất đến 8% so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, người sản xuất đã ý thức được việc sản xuất phải có chứng nhận, phải có liên kết hợp tác nên diện tích cà phê liên kết sản xuất và cà phê có chứng nhận tăng lên đáng kể trong niên vụ 2021 - 2022. Ngoài ra, còn phải kể đến các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát; việc tích cực chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng đã tạo ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Giá cà phê tiếp tục được giữ ở mức cao trên 40 triệu đồng/tấn, tỷ trọng cà phê hòa tan tiếp tục được gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Xây dựng nền nông nghiệp hài hòa, bền vững, đa giá trị
Đánh giá về ngành nông nghiệp năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: mặc dù gặp rất nhiều khó khăn như dịch bệnh, chi phí logistics và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao… nhưng kết quả đạt được là thành quả rất đáng tự hào. Tự hào không phải nằm ở con số, những gì chúng ta nhìn thấy được mà là sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong bối cảnh bất định, biến động phức tạp của thế giới. Hay nói cách khác là nó làm sâu sắc hơn vai trò “trụ đỡ” của ngành nông nghiệp, không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo các vấn đề của xã hội như: đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm...
Xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch cà phê. |
Có thể thấy ngành nông nghiệp cơ bản phục hồi sau đại dịch và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội. Điều này cũng cho thấy tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, doanh nghiệp. Bắt đầu đã có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và rất nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức nông dân có tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, với tỉnh Đắk Lắk đây mới là những kiến tạo cơ bản khi tham gia vào lộ trình chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành nông nghiệp sẽ còn gặp các vấn đề khó khăn, thách thức, nhất là những mặt hàng nông sản đang hướng ra thị trường thế giới cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, kỹ thuật khi các nước càng siết chặt quy chuẩn nhập khẩu. Bởi phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp nhiều hạn chế, vướng mắc trong khâu tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị… Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh cần phải có chiến lược để chủ động thích ứng với nền kinh tế thế giới thay đổi gắn liền với trách nhiệm của người sản xuất, của nông dân và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 của HĐND tỉnh và UBND tỉnh. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; kế hoạch cơ cấu lại ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng từ đơn giá trị sang mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu. Các giải pháp sẽ được cụ thể hóa cho các lĩnh vực, địa phương và các đối tượng tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, xác định sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường và xây dựng nông thôn mới là nòng cốt, là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2023, ngành NN-PTNT đề ra các mục tiêu: giá trị tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn đạt 22.275 tỷ đồng; thủy lợi bảo đảm tưới chủ động cho trên 83,88% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, tăng 0,72% so với năm 2022; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,5%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 56,6%; tỷ lệ độ che phủ rừng (bao gồm cây cao su) đạt 38,35%. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc