Thu ngân sách nhà nước năm 2023: Sẵn sàng các kịch bản
Dự báo thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2023 sẽ tiếp tục đối diện với áp lực lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành phải chuẩn bị sẵn sàng những kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tuy nhiên thu NSNN đã đạt được kết quả nhất định. Tổng thu cân đối NSNN ước thực hiện 9.039 tỷ đồng, bằng 135,6% dự toán Trung ương và 110,2% dự toán HĐND tỉnh giao.
Trong đó, thu thuế, phí trên 5.730 tỷ đồng (bằng 128,6% dự toán Trung ương và 125,4% dự toán HĐND tỉnh giao); thu biện pháp tài chính 3.006 tỷ đồng (173,6% dự toán Trung ương và 107,6% dự toán HĐND tỉnh giao); thu từ xổ số kiến thiết 137,2 tỷ đồng (105,5% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao); thu thuế xuất - nhập khẩu 164,6 tỷ đồng (bằng 47% dự toán Trung ương và 23,3% dự toán HĐND tỉnh giao).
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh là giải pháp nuôi dưỡng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. (Trong ảnh: Một cơ sở chế biến, đóng gói nông sản tại TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thông |
Năm 2023, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, các rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng, đặc biệt là rủi ro về tài chính, tiền tệ. Thách thức, áp lực từ sức ép lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang làm gián đoạn, đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác... có thể dẫn đến sự suy giảm, thậm chí suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới đã và đang tạo sức ép lớn tới kinh tế trong nước thời gian tới. Các chính sách miễn, giảm thuế ban hành trong năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn thu năm 2023 và hiện nay Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Tại Đắk Lắk, dự báo thu NSNN trong năm 2023 sẽ tiếp tục đối diện với những áp lực lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó. Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành đã có kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với Cục Thuế Đắk Lắk, đã chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Quốc hội, Chính phủ về chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nhằm kịp thời hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng, tạo nguồn thu cho NSNN.
Cùng với đó, ngành thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tổ chức rà soát toàn bộ hồ sơ khai thuế, tập trung phân tích có trọng tâm, trọng điểm, xác định các lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao để thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với việc sử dụng hóa đơn, chứng từ, chống chuyển giá, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, khai thác khoáng sản, hoạt động giao dịch liên kết của người nộp thuế. Tiếp tục triển khai các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế; đồng thời, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi tiền thuế nợ…
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp bao bì trong Khu công nghiệp Hòa Phú. |
Về phía Sở Tài chính sẽ chủ trì theo dõi, tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện dự toán năm 2023; phối hợp cùng các ngành, địa phương, đơn vị liên quan phân tích, đánh giá nguồn thu, tiến độ thu để phối hợp đẩy mạnh công tác thu ngân sách đảm bảo sát với tình hình thực tế.
Thực hiện tốt công tác quản lý giá và kịp thời phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách thu theo thẩm quyền; tham mưu tích cực, đẩy nhanh tiến độ cổ phần, sắp xếp lại các doanh nghiệp, kết hợp thu nợ thuế, xử lý nợ thuế khối nông, lâm trường theo đúng quy định; thường xuyên đôn đốc các đơn vị thực hiện các khoản phải thu, nộp theo kết quả kiểm toán, thanh tra; chủ động tham mưu đề xuất thực hiện các khoản thu do ngành tài chính thực hiện như thu tiền sử dụng đất, các khoản thu phí, lệ phí, các khoản thu phạt, thu quản lý qua ngân sách, ghi thu, ghi chi ngân sách, xử lý tài khoản tạm thu, tạm giữ.
Cùng với đó, ngành tài chính chủ trì tham mưu kịp thời việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, giá tính thuế tài nguyên đối với các loại khoáng sản sát thực tế để áp dụng trên địa bàn tỉnh…
Tại hội nghị "khóa sổ" ngân sách 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, Sở Tài chính cần cụ thể hóa một số giải pháp phù hợp với tình hình thực tế đặt ra trong năm 2023, đặc biệt là thu biện pháp tài chính. Quyết liệt hành động, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; kịp thời xử lý những vấn đề nổi cộm, đột xuất, phát sinh; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực ở tất cả các ngành, lĩnh vực bằng nhiều biện pháp cụ thể để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch tài chính, ngân sách năm 2023 của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành tài chính thường xuyên nắm chắc nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.
Số thu nội địa trên địa bàn tỉnh giảm liên tục từ cuối quý III/2022 đến nay nên dự báo công tác thu NSNN của tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc áp dụng mức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường so với năm 2021, đồng thời, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại… sẽ làm giảm nguồn thu thuế trong năm 2023 khoảng 500 tỷ đồng. Dự báo thu ngân sách trong năm 2023 sẽ đối diện với những áp lực lớn trong vòng 6 năm trở lại đây. |
Minh Chi – Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc