Multimedia Đọc Báo in

Xử lý hơn 3.200 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

09:12, 07/01/2023

Chiều 6/1, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì hội nghị.

Năm 2022, các ngành chức năng đã tích cực đấu tranh có hiệu quả đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để ra tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến, xử lý được những vụ vi phạm có quy mô lớn. Qua đó tạo tính răn đe đối với các đối tượng sản xuất, kinh doanh và góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Cụ thể, lực lượng chức năng  xử lý 3.202 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với tổng số tiền thu qua xử lý hơn 123,6 tỷ đồng. Trong đó, xử lý hình sự 39 vụ, xử phạt hành chính 3.163 vụ. Hàng hóa tạm giữ, tịch thu chủ yếu gồm: gỗ các loại, pháo nổ, tiền chất chế tạo pháo, bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, cây thuốc lá điện tử, thực phẩm chức năng, sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, cá thể động vật rừng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, phụ kiện điện thoại…

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nhận định, so với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm đã xử lý tăng 316 vụ, số tiền thu qua xử lý tăng hơn 18,3 tỷ đồng. Đặc biệt, qua công tác thu thập thông tin các cơ sở kinh doanh trên mạng xã hội zalo, facebook… Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 59 cơ sở vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, tổng số tiền thu được qua xử lý là gần 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế, như: việc triển khai các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới còn khó khăn do lực lượng mỏng; công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số còn gây khó khăn do cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở dữ liệu, thông tin việc mua bán; chi phí thử nghiệm chất lượng hàng hóa cao, kinh phí lấy mẫu thử nghiệm về chất lượng hàng hóa còn hạn chế…

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại chỉ đạo tại hội nghị.

Trong năm 2023, để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đề nghị các ngành chức năng cần thường xuyên nắm bắt diễn biến thị trường nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, kịp thời nắm bắt các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng để xây dựng phương án, giải pháp đấu tranh có hiệu quả, tránh chồng chéo; nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người dân; tăng cường lực lượng bám sát địa bàn, nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện các đối tượng, đường dây, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm để xây dựng phương án, giải pháp đấu tranh; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu...

Đại diện các tập thể nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Đại diện các tập thể nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả năm 2021.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.