Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác giữa Đắk Lắk và Khánh Hòa: Nối liền rừng – biển vì sự phát triển

08:12, 27/02/2023

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đã có thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội, hy vọng cho sự phát triển toàn diện của hai tỉnh nói riêng cũng như khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói chung.

Nối liền rừng – biển

Ngày 26/2, lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đã thống nhất ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên 6 lĩnh vực: nông nghiệp; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; du lịch; giao thông – vận tải; y tế, giáo dục, đào tạo, lao động và việc làm; an ninh, quốc phòng

Ký kết hợp tác giữa hai tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa. Ảnh: Hoàng Gia

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh, Đắk Lắk và Khánh Hòa là hai tỉnh “núi liền núi, sông liền sông”; tuy được thiên nhiên ban tặng các điều kiện tự nhiên và lợi thế khác nhau, nhưng đó cũng là thuận lợi quan trọng để hai tỉnh bổ sung cho nhau, cùng hợp tác phát triển. Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh là hướng đến phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả tốt nhất tiềm năng, lợi thế của hai tỉnh, phát huy tối đa nội lực, huy động tốt nhất các nguồn lực bên ngoài thông qua tăng cường giao thương, giao lưu văn hóa giữa hai tỉnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, bản sắc của mỗi địa phương; mở ra cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến với hai tỉnh. Bên cạnh đó, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được Bộ Giao thông vận tải và hai tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần nối liền rừng – biển quan trọng, thúc đẩy kết nối hợp tác, giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng với Khánh Hòa được thuận lợi hơn.

 

“Tôi vui mừng về thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Hai địa phương cần sớm có những hành động, giải pháp để cụ thể hóa những cam kết hợp tác, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy sự phát triển của hai địa phương trên tất cả các lĩnh vực” - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Để thỏa thuận hợp tác sớm trở thành hiện thực, tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư của tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, đầu tư và phát triển. Tỉnh Đắk Lắk cũng mong muốn Khánh Hòa tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa có những lợi thế riêng, lại giáp ranh nhau nên rất thuận lợi để thực hiện kết nối, giao thương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho hai tỉnh nói riêng và tác động tích cực đến sự phát triển cả khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa luôn tích cực đẩy mạnh hợp tác, liên kết để cùng phát triển, trong đó Đắk Lắk là một trong những địa phương quan trọng nhất. Định hướng này cũng đã được Quốc hội, Chính phủ thể hiện thông qua việc cho phép triển khai xây dựng tuyến cao tốc nối Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) với TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Thỏa thuận hợp tác thể hiện rõ ý chí và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh trong liên kết, hợp tác toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, đóng góp sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Cơ hội, động lực phát triển chưa từng có

Không chỉ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, doanh nghiệp Đắk Lắk và Khánh Hòa cũng kỳ vọng rất lớn vào thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh. Bà Phan Thị Thu Cúc,  Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Khánh Hòa cho biết, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có lợi thế mạnh về nông sản, đặc biệt là cà phê, sầu riêng, ca cao, điều… có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cao; trong khi đó tỉnh Khánh Hòa có lợi thế về chế biến thủy sản. Với thỏa thuận hợp tác này, cùng với định hướng của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển logistics tại khu vực Cảng Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong, các mặt hàng xuất khẩu của Đắk Lắk sẽ được xuất từ các cảng này. Để phát huy những cơ hội lớn từ hợp tác kinh tế - xã hội giữa hai địa phương, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp của hai tỉnh phải chuẩn bị tất cả các khâu để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung tìm hiểu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hoàng Gia

Ông Vũ Văn Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Vân Phong nhận định, hai tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa có rất nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển về công nghiệp, cảng biển nước sâu. Với doanh nghiệp của ông Linh, Cảng Nam Vân Phong có thể cập tàu 70 nghìn tấn, giai đoạn 2 có thể cập tàu đến 200 nghìn tấn gắn liền với Khu công nghiệp Ninh Thủy có diện tích 278 ha, dự kiến sẽ được mở rộng thêm dọc theo Cảng Nam Vân Phong. Đây là một khu vực rất tiềm năng để doanh nghiệp của hai tỉnh có thể đầu tư và phát triển kinh tế. Để doanh nghiệp tận dụng hết cơ hội hợp tác, phát triển tốt hơn thì lãnh đạo, doanh nghiệp hai tỉnh cần phải có sự liên hệ với nhau để tiếp tục chia sẻ thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác. “Tôi đã đọc qua biên bản ký kết giữa hai tỉnh, trong đó, việc mở rộng tuyến Quốc lộ 26 và 26B kết nối với Quốc lộ 1A sẽ tạo sự thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, giao thương của hai tỉnh nói riêng và khu vực nói chung. Đặc biệt, tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa sẽ là tuyết đường huyết mạch, tạo nên cơ hội, động lực phát triển chưa từng có từ trước đến nay”, ông Linh nói. 

Về phía doanh nghiệp Đắk Lắk, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Ko Tam cho biết, hợp tác giao thương giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk lần này rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai tỉnh phát triển các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Khánh Hòa là một tỉnh mà du lịch là ngành mũi nhọn, trong khi đó tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng du lịch rất lớn, tuy nhiên lượng du khách đến vẫn còn ít. Qua sự hợp tác, hy vọng giữa Đắk Lắk và Khánh Hòa có sự kết nối, du khách khi đặt chân đến Khánh Hòa có thể chọn Đắk Lắk là điểm đến tiếp theo. Những mô hình du lịch nông nghiệp là điểm mạnh của Đắk Lắk, dần dần thu hút sự quan tâm của du khách là điều kiện thuận lợi để liên kết với tỉnh bạn nhằm phát triển mạnh về ngành du lịch này.

Ngày 26/2, UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tham dự hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Lãnh đạo hai tỉnh tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Cùng tham dự có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.

Minh Thông – Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc