Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

18:40, 24/02/2023

Sáng 24/2, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ 3 nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023. Phiên họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì, được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tại điểm cầu Đắk Lắk, tham gia phiên họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước có 6.001 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 73,08% tổng số xã); có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm, trong đó: tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.

ảnh
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk.

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình MTQG năm 2023, đến nay đã có 42/48 địa phương được ngân sách Trung ương phân bổ chi tiết khoảng 18,8 nghìn tỷ đồng, đạt 76,34%; còn 6 địa phương chưa phân bổ hết hoặc đang xây dựng phương án phân bổ để trình HĐND phê duyệt tại kỳ họp gần nhất. Đối với vốn ngân sách địa phương: có 25 địa phương bố trí trên 5,4 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn. 

Về tình hình giải ngân vốn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 thực hiện các chương trình MTQG: Đối với vốn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022, tính đến 31/1/2023, ước giải ngân được trên 13,7 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 57,21% kế hoạch và dự kiến đến hết 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022 được kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023 theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội. Đối với vốn ngân sách địa phương, đến hết tháng 12/2022, đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch; dự kiến tới hết quý I năm 2023, các địa phương phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2022.

Đến 28/2/2023, có 17 địa phương giải ngân được trên 545 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước Trung ương năm 2023 thực hiện 3 chương trình MTQG. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện ở các địa phương, tập trung vào một số nhóm lĩnh vực sau: Vẫn còn một số nội dung thuộc các chương trình MTQG chưa được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn; một số nội dung đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa rõ ràng hoặc chưa có sự thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn của Trung ương; một số nhiệm vụ, chỉ tiêu Trung ương giao chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương; chưa có sự thống nhất về cách hiểu và triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương tại các địa phương; các dự án đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục phải triển khai lớn, trong khi năng lực đội ngũ cán bộ ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số địa phương chưa phân bổ hết nguồn vốn ngân sách Trung ương giao năm 2023; vốn được giao năm 2023 và vốn được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân từ năm 2022 khá lớn, tạo áp lực đối với việc triển khai và giải ngân…

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Trong năm 2023, với những vấn đề đang vướng mắc tại các địa phương sẽ được Ban Chỉ đạo tập trung xem xét, sửa đổi. Đề nghị các bộ, ngành Trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao tại Công điện số 71/CĐ-TTg, ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ để tập trung hoàn thiện công tác ban hành văn bản, hướng dẫn để quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Trong đó, nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chưa rõ hoặc để phù hợp với thực tiễn triển khai các chương trình MTQG tại địa phương; ban hành, sửa đổi các văn bản còn thiếu, chưa cụ thể hoặc chưa đồng bộ giữa các văn bản; trả lời các kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc của các địa phương. 

UBND các tỉnh tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp; chủ động thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2022; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong tổ chức thực hiện các chương trình; nghiên cứu, rà soát các dự án thuộc chương trình MTQG để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, manh mún…

Minh Thuận 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.