Multimedia Đọc Báo in

Chung tay xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt

07:56, 15/03/2023

Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng cho ngành hàng cà phê. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp (DN), cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thể hiện mong muốn chung tay xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt.

Công ty TNHH MTV Cà phê Sơn Nguyên tham gia hội chợ với 12 sản phẩm cà phê hạt rang mộc và hòa tan. Đây đều là những sản phẩm cà phê nguyên chất có chất lượng đảm bảo được rang giữ nguyên hương vị đậm nên rất nhiều vị khách ưa chuộng. Trong bốn ngày trưng bày sản phẩm, công ty đã thu hút được hơn 50 đơn vị đặt vấn đề lấy hàng làm đại lý cấp 1 và xuất khẩu.

Đặc biệt, nhiều vị khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ uống thử và đánh giá cao các dòng cà phê natural và honey, bởi đây là hai dòng cà phê sạch chín 100%. Dòng cà phê natural được ủ lên men tự nhiên, còn dòng honey phải bóc lớp vỏ ngoài và phơi nắng, nên không chỉ giữ vị ngọt tự nhiên mà còn có hương vị riêng, khác lạ. Một số DN nước ngoài đã mua hàng đem về nước để đánh giá và đặt vấn đề hợp tác.

“Đây là cơ hội lớn để công ty tiếp cận, đưa sản phẩm cà phê vươn mình ra thế giới. Hội chợ diễn ra trong 5 ngày có thể không mang lại nhiều lợi nhuận cho chúng tôi cũng như những DN khác, nhưng nó đem lại cơ hội lớn để quảng bá, đưa sản phẩm, thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nói chung và Việt Nam đi xa”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện công ty chia sẻ.

Các du khách nước ngoài tìm hiểu một sản phẩm cà phê.

Tương tự, đến với hội chợ năm nay, Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất cà phê An Viên mang theo những loại cà phê nguyên chất được lấy từ nguồn nguyên liệu của nông trường cà phê tỉnh Đắk Lắk. Từ nguồn nguyên liệu này, công ty sản xuất theo công nghệ sấy lạnh để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất phục vụ khách hàng. Một trong những mục tiêu của DN này là cùng chung tay xây dựng thương hiệu cà phê Việt để thế giới biết đến nhiều hơn về cà phê Robusta chất lượng cao.

Còn với anh Vũ Mạnh Đường - chủ trang trại Mạnh Đường (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) lại muốn giới thiệu đến người dân, DN trong và ngoài nước sản phẩm cà phê sinh thái theo mô hình vườn rừng. Đây là loại cà phê được sản xuất theo phương pháp thuận tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu. Anh Đường cho hay, anh muốn lan tỏa, nhân rộng mô hình cà phê vườn rừng của mình để nhiều người biết đến và được uống cà phê sạch. Những vị khách sành sỏi, khó tính nhất ở trong và ngoài nước đến vùng đất bazan Đắk Lắk sẽ thưởng thức loại cà phê thượng hạng, cà phê vì sức khỏe.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cho biết, năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu cà phê cả nước năm 2022 đạt gần 1,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 4 tỷ USD; riêng Đắk Lắk xuất khẩu 380 nghìn tấn, kim ngạch đạt gần 813 triệu USD. Hội chợ lần này là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, nhằm quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đến du khách, bạn bè trong và ngoài nước, cũng là cơ hội để các DN, nhà đầu tư trao đổi, quảng bá sản phẩm, liên kết hợp tác phát triển, mở rộng thị trường và hợp tác đầu tư. Đồng thời nâng cao kiến thức trong sản xuất, chế biến cà phê, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong quá trình hội nhập với kinh tế quốc tế. Với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột - Vững bước hội nhập”, sự kiện này còn góp phần thúc đẩy sự phát triển xuất khẩu cà phê Việt Nam và quảng bá hình ảnh Đắk Lắk với nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, nhất là đầu tư về công nghệ chế biến sâu nhằm làm gia tăng giá trị xuất khẩu, góp phần đưa cà phê trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hy vọng rằng, với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của nông dân, DN và sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, ngành cà phê của Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại một gian hàng cà phê.

Theo đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hội chợ lần này là hoạt động thiết thực trong Chương trình tuyên truyền quảng bá cho cà phê Việt Nam chất lượng cao mà ngành công thương đang xây dựng để trình Chính phủ. Chương trình này tập trung phát triển thương hiệu ngành và chỉ dẫn địa lý, trong đó chú trọng khai thác tối đa lợi thế của chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cà phê Việt Nam để xuất khẩu, bán sản phẩm ra hệ thống phân phối nước ngoài bằng thương hiệu cà phê mang chính tên mình. Với sản lượng xuất khẩu đứng thứ hai thế giới (sau Brazil), cà phê Việt Nam đóng vai trò quan trọng trên thị trường quốc tế. Để phát triển ngành hàng cà phê, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho cà phê chất lượng cao ra quốc tế; chú trọng những thị trường có sức mua lớn như Trung Quốc và những thị trường còn nhiều tiềm năng để khai thác như các nước khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Đông Âu, Bắc Mỹ…

Minh Thông – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.