Multimedia Đọc Báo in

Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana: Khó về đích đúng hạn

08:14, 07/03/2023

Được gia hạn đến hết năm 2023, thời gian còn lại không nhiều nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hạng mục của Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana (huyện Lắk) phải tạm dừng thi công do thiếu nguồn đất đắp. Nhà thầu, chủ đầu tư đều chung nỗi lo không kịp tiến độ yêu cầu.

Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2886/QĐ-UBND ngày 30/10/2018. Công trình đi qua 3 xã của huyện Lắk gồm: Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết. Tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, trong đó 70 tỷ đồng ngân sách tỉnh và 130 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung cho các công trình chống hạn cấp bách thuộc Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư.

Nhiều hạng mục tạm dừng thi công

Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư. Nhà thầu chính thi công công trình do Liên danh Đê bao ngăn lũ Tây Nguyên gồm Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngũ Hành Sơn, Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng 470, Công ty TNHH Xây dựng và cầu đường Đức Nguyên, Công ty Cổ phần Chế tạo bơm Hải Dương. Thời gian hợp đồng thi công từ ngày 1/10/2020 đến 31/12/2023.

Phạm vi nằm trong khu vực Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana đoạn qua xã Buôn Tría (huyện Lắk).

Tổng khối lượng đất đắp của dự án này cần gần 159.000 m3, trong đó mới thi công và đắp được khoảng 39.000 m3, như vậy để hoàn thành công trình còn thiếu gần 120.000 m3. Trong quá trình khảo sát, thiết kế, chủ đầu tư đã tổ chức đánh giá trữ lượng, chất lượng của 8 mỏ vật liệu (trong đó sử dụng 2 mỏ và 6 mỏ dự phòng). Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Lắk chưa có mỏ đất san lấp nào được cấp phép khai thác. Trong quá trình triển khai thi công, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, chủ đầu tư đã thống nhất sử dụng mỏ số 2 và mỏ 6. Tuy nhiên, các mỏ đất của dự án đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất (Quyết định số 1790/QĐ-UBND ngày 10/8/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Lắk), không nằm trong quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt (Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 25/2/2022 của UBND tỉnh). Do đó, chưa đủ cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác nên không có vật liệu để đắp.

Thiếu vật liệu đất đắp buộc nhà thầu phải rút máy móc, thiết bị về, quá trình thi công phải tạm dừng từ tháng 6/2022. Ông Lê Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn, một trong những Liên danh các nhà thầu cho biết, đơn vị đảm nhận thi công 8 km bờ đê, hiện nay mới triển khai đắp được 3 km, còn lại 5 km không có đất đắp nên buộc phải tạm dừng, kéo máy móc về. Việc thiếu nguồn đất đắp khiến nhà thầu gặp không ít khó khăn, bởi giá nguyên, vật liệu hiện tại tăng gần gấp đôi so với giá ở thời điểm đấu thầu (năm 2020). Cụ thể, năm 2020 giá dầu chỉ hơn 11.000 đồng/lít thì nay giá lên gần 22.000 đồng/lít, giá cát khoảng 120.000 - 130.000 đồng/m3 thì nay giá 300.000 đồng/m3…

Ông Nguyễn Hữu Xưởng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngũ Hành Sơn cho hay, đặc thù thi công công trình thủy lợi chỉ được 6 tháng mùa khô, thậm chí năm nào mưa nhiều thì thời gian này rút ngắn lại, có khi chỉ được 4 - 5 tháng. Hiện nay đã sang tháng 3, nhưng một số vị trí mặt bằng chưa được bàn giao, cộng thêm vấn đề thiếu đất đắp mặt đê nên đơn vị buộc phải rút hết máy móc, thiết bị về từ giữa năm 2022.

Lo chậm tiến độ

Theo kế hoạch, chỉ còn chưa đầy 10 tháng nữa, dự án phải hoàn thành đưa vào sử dụng. Thế nhưng, hiện nay do đang thiếu một khối lượng đất đắp lớn, khối lượng thực hiện và tỷ lệ giải ngân đạt thấp, trong khi mùa mưa lại sắp tới, để kịp tiến độ dự án là điều rất khó.

Cụ thể, đối với công trình thân đê, đoạn qua xã Buôn Tría, nhà thầu mới nhận được 1,7/4,87 km mặt bằng, trong đó đã đắp đất được khoảng 1 km, một số đoạn chưa được bàn giao mặt bằng. Tương tự, đoạn đê bao thuộc địa phận xã Buôn Triết nhà thầu mới chỉ đắp đất được 2,7/8 km và còn 0,5 km chưa bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, một số hạng mục công trình trên đê thi công dở dang hoặc chưa thi công được như: đường điện số 1, trạm bơm số 2… Tính đến cuối tháng 2/2023, dự án mới giải ngân được hơn 120,6/200 tỷ đồng (đạt hơn 60,3%).

Do chưa có công trình đê bao ngăn lũ, mùa mưa đến người dân xã Buôn Tría (huyện Lắk) phải dùng bao đất, cát ngăn nước từ sông chảy vào ruộng.

Thời gian còn lại không nhiều, trong khi vướng mắc lớn nhất đối với việc triển khai dự án này vẫn là nguồn vật liệu đất đắp, quy trình mất nhiều thời gian. Theo quy định hiện nay, để được cấp phép khai thác vật liệu san lấp, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đủ 9 bước: vị trí mỏ phải nằm trong quy hoạch khoáng sản - lập hồ sơ thăm dò - lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác - lập báo cáo kết quả thăm dò và trình phê duyệt trữ lượng - lập hồ sơ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, ký Quỹ bảo vệ môi trường - lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định chủ trương đầu tư - lập hồ sơ cấp phép khai thác và phê duyệt tiền cấp quyền khai thác - lập hồ sơ phê duyệt thiết kế mỏ - lập hồ sơ đất đai. Trước thực tế đó, chủ đầu tư kiến nghị với UBND tỉnh cho phép sử dụng kết quả khảo sát, thăm dò mỏ vật liệu dự kiến sử dụng phục vụ cho dự án (đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 992/QĐ-UBND ngày 3/5/2019 về việc Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana) để làm thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp thi công.

Thời gian thi công kéo dài, không những tăng chi phí đầu tư xây dựng mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Bởi khu vực triển khai dự án là vùng thấp trũng của huyện Lắk, tiếp giáp với sông Krông Ana; vào mùa mưa hằng năm, nước lũ đổ về khiến nước sông và một số con suối dâng lên khiến vùng chuyên canh lúa nước ở các xã như Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết phải gánh chịu thiệt hại rất lớn về cây trồng, thậm chí một số mùa vụ bà con nơi đây đã từng “trắng tay” hoàn toàn sau lũ.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.