Multimedia Đọc Báo in

Ea Hiao: Những điểm sáng thắp lên từ một nghị quyết

08:15, 07/03/2023

Từ một xã thuần nông, canh tác manh mún, sau hơn 3 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, diện mạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Ea Hiao (huyện Ea H'leo) đã có nhiều điểm sáng.

Sản xuất an toàn

Trước đây gia đình anh Phạm Văn Thợi (ở thôn 5B) canh tác 3 ha cà phê theo lối truyền thống “lạm dụng” phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, khiến đất nhanh thoái hóa, năng suất cây trồng kém. Năm 2018, anh đăng ký tham gia Dự án cung ứng dịch vụ cho phát triển cà phê bền vững (do Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo phối hợp với một số tổ chức, doanh nghiệp triển khai). Được hướng dẫn quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng phân bón vi sinh, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cây dần phục hồi, cho năng suất cao (tăng bình quân khoảng 25%/năm so với trước). Ngoài ra, gia đình anh còn được doanh nghiệp thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 10.000 đồng/kg cà phê nhân.

Chế biến cà phê chất lượng cao tại HTX Nông nghiệp bền vững Trọng Phú.

Không chỉ gia đình anh Thợi, nhiều hộ dân khác trong xã cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình hữu cơ, an toàn, xen canh đa cây trong rẫy để tăng thu nhập… Điển hình phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Dương ở thôn 5A, Lê Bá Quý ở thôn 10, Phùng Văn Long ở thôn 7C... với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ vườn cà phê xen canh các loại cây ăn trái.

Ông Lê Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiao cho biết, từ nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, chính quyền địa phương đã khéo léo lồng ghép thực hiện các chương trình, chính sách của Nhà nước, hỗ trợ, vận động nhân dân tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng an toàn, bền vững, đã hình thành nên các vùng chuyên canh mắc ca ở thôn 8, 9; vải u hồng ở thôn 7A, 7B, 7C; cà phê hữu cơ ở thôn 5A, 5B…

Xã điểm về phát triển kinh tế tập thể

Khi có vùng trồng ổn định, người dân đã hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị nông sản. Đến nay, xã đã xây dựng và phát triển 4 hợp tác xã (HTX) (gồm HTX Nông nghiệp Ea Sol Farm, HTX Nông nghiệp bền vững Trọng Phú, HTX Nông nghiệp bền vững Đại Thắng, HTX Sản xuất TM DV nông nghiệp Macca Ea H’leo) và Tổ hợp tác trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sầu riêng. Sự ra đời các HTX đã gắn kết thành viên, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa có sự liên kết chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình trồng xen bơ trong vườn cà phê của người dân xã Ea Hiao.

Năm 2020, HTX Nông nghiệp bền vững Trọng Phú thành lập với 14 hộ thành viên, sản xuất 30 ha cà phê theo quy trình hữu cơ liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex chi nhánh tại Buôn Ma Thuột. Anh Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: Khi tham gia liên kết, HTX được doanh nghiệp hỗ trợ hệ thống nhà màng, máy móc và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Người dân thu hái cà phê 100% quả chín, ủ lên men trước khi tách vỏ rồi phơi sấy trong nhà màng... Mỗi năm, Công ty thu mua trên 1.000 tấn cà phê chất lượng cao của HTX có hỗ trợ về giá thêm 10.000 - 15.000 đồng/kg nhân so với giá thị trường, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Anh Phùng Văn Long ở thôn 7C là người đầu tiên đưa cây vải u hồng từ tỉnh Hải Dương vào Đắk Lắk trồng thành công và được nhiều hộ dân khác trong vùng nhân rộng. Năm 2021, anh đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp Ea Sol Farm với 7 hộ thành viên, trồng gần 30 ha vải theo quy trình VietGAP. Để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, toàn bộ diện tích vải của HTX đều được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để giảm công lao động. Theo anh Long, ưu điểm của vải Ea Hiao là chín sớm hơn một tháng so với ở các tỉnh miền Bắc, trái có vỏ mỏng, cơm dày, vị ngọt nên được nhiều doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh tìm đến tận vườn thu mua. Mỗi năm, HTX xuất bán trên 100 tấn vải.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiao Phạm Bá Phi cho hay, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn hoạt động khá hiệu quả với đa dạng sản phẩm nông nghiệp, thu hút đông đảo người dân tham gia với quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn, bền vững. Từ đó, năng suất, sản lượng cây trồng tăng lên, đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn dưới 3%. Ea Hiao vì vậy đã trở thành xã điểm của huyện Ea H’leo về phát triển kinh tế tập thể, hoàn thành mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra là đến năm 2025, toàn xã phát triển được từ 3 - 5 HTX nông nghiệp.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.