Multimedia Đọc Báo in

Giai đoạn 2012 - 2022, giải ngân gần 733 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng

18:07, 23/03/2023

Chiều 23/3, Sở NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 - 2023.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tuấn Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT; đại diện Quỹ phát triển rừng Việt Nam, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh bạn và các sở, ngành liên quan của tỉnh.

ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị.

Trải qua hơn 10 năm (2012 - 2022) tổ chức và hoạt động, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Quỹ tỉnh) đã phát huy được vai trò và nhiệm vụ là cơ quan ủy thác trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thu, chi tiền trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đây được coi là bước ngoặt đối với ngành lâm nghiệp của tỉnh, tạo ra một cơ chế tài chính mới, bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách để bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Giai đoạn 2012 - 2022, Quỹ tỉnh đã ký 45/52 hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và thu được hơn 734 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng (bằng 119% so với kế hoạch). Đã thực hiện chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng, với tổng số tiền đã giải ngân gần 733 tỷ đồng (bằng 100,8% so với kế hoạch).

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Nguồn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cho hơn 209.000 ha rừng trong các lĩnh vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng (chiếm khoảng 41,1% tổng diện tích rừng hiện có), giúp giảm số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh.

Nguồn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm trên địa bàn tỉnh còn hỗ trợ chủ rừng và cải thiện đời sống người dân. Đến nay, có 163 chủ rừng và UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2022, có 4.047 hộ gia đình và 56 cộng đồng, nhóm hộ tham gia cung ứng và hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

ảnh
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tặng Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2017 – 2022, Quỹ tỉnh đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức hỗ trợ trồng cây phân tán với 140.589 cây sao đen tại 13/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 34.705 cây (trong đó có 3.355 cây sao đen và 31.350 cây thông ba lá) để trồng 25,1 ha rừng cảnh quan tại thị xã Buôn Hồ và huyện Ea H’leo nhằm phục hồi rừng, tạo cảnh quan môi trường, bảo vệ môi trường sống, hệ sinh thái…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đánh giá cao kết quả hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh trong 10 năm qua. Đồng thời đề nghị Quỹ tiếp tục rà soát các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhưng chưa thực hiện việc chi trả trực tiếp hoặc ủy thác qua Quỹ tỉnh khẩn trương tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác để chi trả theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra diện tích và chất lượng rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm ổn định diện tích rừng cung ứng, hạn chế tình trạng diện tích rừng cung ứng bị suy giảm, tác động. Tiếp tục đẩy mạnh việc kêu gọi, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia trồng cây xanh hoặc hỗ trợ kinh phí về Quỹ tỉnh để tổ chức trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động...

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.