Multimedia Đọc Báo in

Tạo “sức mạnh mềm” cho cà phê Buôn Ma Thuột

14:29, 04/04/2023

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và Việt Nam nói chung gia tăng giá chuỗi giá trị ngành hàng thì không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nhất là khâu chế biến tinh, mà còn nỗ lực mở rộng và nâng tầm giá trị văn hóa tiêu dùng ở mọi đối tượng khách hàng.

Từ đó mở ra lối riêng để cà phê đi vào đúng cảm xúc của người thưởng thức. Vì thế cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung và hoàn thiện đúng nghĩa “phổ văn hóa cà phê” ở vùng đất này để dẫn dắt ngành hàng này trở thành hướng đi tích hợp đa giá trị, trong đó hàm chứa yếu tố văn hóa và nhân văn sâu sắc.

Những gợi mở

Đây quả là gợi ý/định hướng không thể không lưu tâm một khi hoạch định chiến lược phát triển cho cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung. Văn hóa cà phê ở đây cần phải được định hình và phát huy trên cơ sở kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển, ý tưởng sáng tạo từ các sản phẩm cà phê.

Vấn đề này đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, quản lý đề cập và bàn thảo đến từ kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 năm 2011 và những kỳ tiếp theo, song thực tế không dễ hình dung phải xác lập nền tảng văn hóa ấy từ đâu và bằng cách nào.

Qua kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 thì vấn đề trên đã được nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn để xây dựng “quyền lực mềm” cho cà phê nhằm gia tăng giá trị cho ngành hàng quan trọng này. Ấy là phải tích hợp yếu tố văn hóa vào sản xuất, kinh doanh để cộng hưởng và mở rộng biên độ lan tỏa giá trị cà phê - từ người nông dân trực tiếp sản xuất đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà phân phối, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tất cả kết nối lại thành một hình ảnh ấn tượng, đầy thiện cảm để đưa cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt đi xa hơn.

Thu hoạch cà phê chín đỏ 100% để chế biến cà phê đặc sản. Ảnh: Nguyễn Gia

Có thể thấy, tâm thế/tình cảm của hầu hết nông hộ, doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này - từ khâu sản xuất, thu hái, bảo quản đến chế biến sản phẩm cà phê đã ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng hơn, không còn tình trạng “ăn xổi”, chỉ quan tâm đến sự dao động giá cả của thị trường như trước đây. Có thể nói đó là một sự chuyển biến, hay nói cách khác là hành xử văn hóa đáng ghi nhận - và điều đó được xem như những viên gạch đặt nền móng cho việc định hình văn hóa cà phê, hay nói bóng bẩy hơn đó là gam màu tươi sáng trong “phổ màu văn hóa cà phê” Buôn Ma Thuột.

Tâm thế thưởng thức cà phê

Vốn là vùng trồng cà phê rộng lớn và nổi tiếng, nhưng tại các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên có những xe tải chở cà phê với đủ thương hiệu sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh lên bỏ mối cho các quán xá với giá khá rẻ. Các chủ quán mua đủ loại cà phê theo dạng này rồi pha trộn chúng với nhau, bán cho khách hàng uống hằng ngày và thường ngụy biện là phải như vậy “mới ngon, mới hợp khẩu vị”(?). Về phía người tiêu dùng thì tỏ ra quá dễ dãi với việc sử dụng sản phẩm, nên hằng ngày vẫn đều đều uống cái gọi là “cà phê” mà không biết nó có gây nguy hại đến sức khỏe của bản thân mình và cộng đồng hay không.

Vấn đề “cà phê sạch, cà phê bẩn” bắt đầu được đề cập đến như mối bận tâm về lộ trình xây dựng văn hóa cà phê tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 năm 2013. Lúc bấy giờ, để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm của mình, nhiều nhà sản xuất cà phê đã đưa sản phẩm “cà phê sạch 100%”, hay “cà phê nguyên chất” giới thiệu với người tiêu dùng. Nhiều nhà sản xuất còn đưa máy chế biến cà phê đến ngay tại hội chợ để rang xay cho người tiêu dùng thưởng thức, sau đó được đối chứng với các loại cà phê đã đóng gói để nhận biết mùi vị. Cũng từ thời gian đó, người tiêu dùng đã có tâm thế thưởng thức cà phê khác trước, bằng cách yêu cầu chủ quán/doanh nghiệp phải trực tiếp xay cà phê nguyên hạt đã rang ngay tại chỗ để dần loại trừ vấn nạn cà phê “bẩn”. Và cứ thế, người tiêu dùng đã hình thành tâm thế thưởng thức cà phê đúng nghĩa, không những chỉ vì sức khỏe của bản thân, cộng đồng mà cao hơn là vì một nền sản xuất nông nghiệp chân chính, bảo vệ giá trị tinh thần cốt lõi của cà phê.

Rõ ràng, nâng cao vị thế một thương hiệu nông sản có vai trò quan trọng như cà phê chính là góp phần định hình văn hóa cà phê, nâng cao hình ảnh của một vùng đất giàu truyền thống và bản sắc như Đắk Lắk - Tây Nguyên.

Đình Đối - Mạnh Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.