Multimedia Đọc Báo in

Miền “hạt đắng”...

14:27, 04/04/2023

Với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của càs phê thế giới”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 có quy mô hoành tráng với nhiều triển lãm, hội thảo, giới thiệu du lịch…, không chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột mà còn diễn ra ở nhiều huyện thị lân cận.

Có thể nói, với lễ hội lần này, cây cà phê ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã có bước tiến dài trong việc giới thiệu tiềm năng, chất lượng của loài cây hoa thơm, hạt đắng đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước…

Ấn tượng từ “lượng” và “chất”

Tại thời điểm này, không ai nghi ngờ gì nữa về chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột. Cà phê của Đắk Lắk – Buôn Ma Thuột đã được xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nông dân xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch cà phê. Ảnh: Hoàng Gia

Về chất lượng, theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì Đắk Lắk xếp vào các địa phương có nguồn cây giống cà phê vào loại tốt nhất nước. TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định: “Qua rất nhiều năm nghiên cứu, theo dõi, tuyển chọn, hiện nay ở Tây Nguyên nói chung và riêng Đắk Lắk đã có bộ giống năng suất cao, chất lượng tốt. Riêng đối với cà phê vối thì có đến hơn 15 bộ giống với chất lượng rất tốt”. Nhắc đến bộ giống cây cà phê, nhiều người đã không quên hàng chục năm qua, đội ngũ cán bộ kỹ thuật ở Tây Nguyên đã bỏ công sức thu thập tất cả các mẫu giống ở hầu khắp các nông trường, hộ cá thể, dựa trên những ưu thế vượt trội về kháng bệnh, năng suất cao và chất lượng hạt tốt lai tạo với nhau và cho ra các bộ cây giống với “nguồn gen” nổi trội, nhiều ưu điểm. Cũng cần nói thêm, điều kiện thổ nhưỡng đất đỏ bazan ở Đắk Lắk rất thích hợp với cây cà phê và khí hậu (hai mùa mưa, nắng rõ ràng, biên độ nhiệt khi cây cà phê vào vụ khá chênh lệch giữa ngày và đêm…) là những điểm cộng “trời cho” với cây cà phê. Theo TS. Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột giải thích: “Độ cao từ 400 - 800 m so với mực nước biển và biên độ nhiệt dao động giữa ngày và đêm chừng 10 - 12 độ giúp cây cà phê tích lũy chất, các tiền chất tạo nên hương vị hạt cà phê thơm ngon hơn nơi khác”.

Bước ra từ lễ hội

Cây cà phê, hạt cà phê, hương vị cà phê, cách chế biến, thưởng thức cà phê…, tất cả là những mắt xích tạo dựng nên Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Từ đất rẫy, nương vườn, dưới bàn tay những nông dân, công nhân vun trồng cộng thêm những ưu đãi thiên nhiên mà cây cà phê ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên rời bỏ thân phận “du cư” để trở thành loài cây chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống ở vùng đất này.

Mỗi lễ hội luôn là một sự kiện văn hóa của cộng đồng. Và lễ hội nào cũng mang tính biện chứng, điều gì trở thành tâm điểm của lễ hội thì sẽ đến lượt lễ hội khoác thêm cho nó những lớp “áo” văn hóa mới mẻ, đủ để khơi gợi và tiếp tục dòng chảy cho những lễ hội kế tiếp. Bước ra từ nương rẫy, đến với lễ hội, và từ lễ hội quay trở lại, cây cà phê trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột chắc chắn sẽ neo lại trong lòng du khách, bạn bè xa gần những ấn tượng không chỉ cà phê mà còn là văn hóa, gương mặt tinh thần của xứ sở.

Mỗi kỳ lễ hội cà phê là thêm vị thế của cà phê được khẳng định. Từ loài cây ngoại nhập, cà phê nhanh chóng trở thành cây trồng đặc sản trên cao nguyên bazan này. Thật tuyệt vời khi Đắk Lắk trở thành “thủ phủ” của cà phê - và dĩ nhiên loại cây trồng này đã được tôn vinh nhờ giá trị kinh tế to lớn cũng như yếu tố lịch sử, văn hóa mà “hạt đắng” ấy mang lại.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.